PV GAS (GAS): Ước tính lợi nhuận quý III/2021 đạt 2.298,9 tỷ đồng

Trong 9 tháng đầu năm 2021, GAS ước tính tổng doanh thu đạt 58.417 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.869 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.220 tỷ đồng, giảm 0,4% so với 9 tháng đầu năm 2020

PV GAS (GAS): Ước tính lợi nhuận quý III/2021 đạt 2.298,9 tỷ đồng - Ảnh 1

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán GAS - sàn HOSE) công bố ước tính KQKD trong 9 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, GAS ước tính tổng doanh thu đạt 58.417 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.869 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.220 tỷ đồng, giảm 0,4% so với 9 tháng đầu năm 2020. Như vậy, so với mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay đạt 7.036 tỷ đồng, sau 9 tháng đầu năm, ước tính công ty hoàn thành 88,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bên cạnh đó, nếu tính riêng trong quý III/2021, ước tính công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.298,9 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.861,2 tỷ đồng, giảm 10% so với quý III/2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, GAS cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huy động khí của khách hàng giảm, đặc biệt là huy động khí cho điện bằng khoảng 72% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch của Bộ Công Thương giao, huy động khí Đông Nam bộ đạt khoảng 84%, Tây Nam bộ khoảng 70%.

Từ ngày 11/8 đến nay, huy động khí cho sản xuất điện Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng từ 5,6-8,5 triệu m3/ngày và Tây Nam bộ từ 1,1 -1,3 triệu m3/ngày. Nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35-40% đối với LPG và 30% đối với khí thấp áp, CNG so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần 4. Nguyên nhân là do nhiều khách hàng dừng/giảm sản xuất, kinh doanh. Dự báo thời gian tới, số lượng khách hàng dừng/giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể sụt giảm từ 40-50% so với thời điểm trước dịch bùng phát.

Bên cạnh đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa (LPG, CNG), huy động nguồn lực triển khai các dự án (chỉ duy trì được khoảng 40% lực lượng lao động tại công trường so với trước thời điểm dịch bùng phát do siết chặt đi lại), cũng như việc xem xét, phê duyệt của các cơ quan chức năng liên quan các hoạt động đầu tư xây dựng, cước phí, giá khí,... gặp nhiều khó khăn. Chi phí cho các hoạt động tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo công ty, trong kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huy động khí của khách hàng giảm, trong đó đặc biệt là huy động khí cho điện giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giảm 28% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN). 

So với kế hoạch của Bộ Công Thương giao, huy động khí Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng 84%, Tây Nam bộ khoảng 70%. Đặc biệt, từ ngày 11/8 đến nay, huy động khí cho sản xuất điện Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng từ 5,6 - 8,5 triệu m3/ngày và Tây Nam bộ 1,1 - 1,3 triệu m3/ngày.