Đi dọc vùng cửa sông Gianh (nơi sông Gianh đổ ra biển), phóng tầm mắt, đâu đâu cũng nhìn thấy những chiếc bè tre nuôi hàu treo dây nằm nổi trên mặt nước, san sát nhau và nối dài tít tắp. Mô hình nuôi hàu này là của gia đình anh Trần Quốc Trong (SN 1981, trú phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cùng hùn vốn với người thân, bạn bè.
Từ lâu, sông Gianh đã nổi tiếng với nhiều loại thuỷ sản tươi ngon, môi trường nước sạch, lưu thông thường xuyên với dòng chảy nhẹ, có nhiều sinh vật phù du, thích hợp nuôi trồng thuỷ sản. Cũng chính vì thế, tuy nghề nuôi hàu treo dây ở vùng cửa sông Gianh còn khá mới mẻ ở vùng này thế nhưng vợ chồng anh Trần Quốc Trong cùng nhiều người vẫn sẵn sàng đem hết vốn liếng, tài sản quyết tâm làm giàu trên sông nước.
Anh Trần Quốc Trong nhớ lại, cũng như nhiều gia đình làm nghề chài lưới khác, mấy chục năm nay vợ chồng anh Trong kiếm sống trên sông Gianh bằng cách đánh bắt truyền thống con cá, con tôm, mớ hàu, mớ tép… mùa nào thức nấy, theo con nước lên xuống mà sông Gianh vốn có.
Khoảng 5 năm trước, nhận thấy vùng sông Gianh nổi tiếng với hàu sữa thơm ngon, có giá trị, được nhiều người ưa chuộng, anh tập tành nghề nuôi hàu sữa. Hàu sữa mặc dù dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng dễ “mất trắng” nếu không thu hoạch trước mùa mưa lũ, sau nhiều mùa vụ thua lỗ, anh đành buông xuôi.
Đến năm 2022, khi một người bạn của vợ chồng anh Trong ở xã Quảng Đông ( huyện Quảng Trạch) làm nghề thợ lặn, thường xuyên được các chủ bè nuôi hàu ở các tỉnh phía Bắc thuê lặn nhặt những con hàu bị rơi khỏi bè, kể chuyện về nuôi hàu mang lại giá trị kinh tế cao, anh rất kỳ vọng vào loại “đặc sản” này. Anh Trong bàn với vợ lặn lội ra các mô hình ở Ninh Bình, Quảng Ninh học hỏi. Đến năm 2023, vợ chồng anh Trong nuôi thử hàu treo dây trên cửa sông Gianh. Vụ đầu tiên, con hàu được nuôi dưới các bè phát triển tốt, tỷ lệ sống gần như 100%, vợ chồng anh hùn vốn với 6 hộ gia đình khác, mở rộng quy mô lần lượt lên 8 bè trên mặt nước ven cửa Gianh, với diện tích gần 1,3ha.
Anh Trần Quốc Trong cho biết, chi phí đầu tư cho một bè nuôi hàu rơi vào khoảng 350 triệu đồng bao gồm cả vật tư và con giống. Bè nuôi được kết từ thân tre, lồ ô to, rỗng ruột xen kẽ các thùng xốp to để bè nổi trên mặt nước, xung quanh bè được cố định bằng cọc chắc chắn để tránh di chuyển. Con giống là hàu đại dương, được ươm ở các trang trại vùng cửa biển tỉnh Quảng Ninh. Trung bình mỗi bè, thả từ 8.000 – 10.000 dây giá thể cấy hàu giống (tuỳ chọn mật độ thả).
Quá trình nuôi hàu không cần cho ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ trong nước, người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển.
Cầm dây hàu đại dương trên tay, anh Trần Quốc Trong phấn khởi, “Giống hàu này thời gian nuôi khá ngắn, khoảng từ 7 – 8 tháng là có thể thu hoạch và có thể nuôi lâu hơn để tăng kích thước nhưng không quá 36 tháng (vòng đời hàu đại dương). Thịt hàu dai, to và ngọt, dây hàu trưởng thành có khoảng 30 – 40 con, trọng lượng từ 10 – 15kg, thương lái sẽ về thu mua tận bè và đóng thùng xuất khẩu nhưng giá rẻ hơn, khoảng 15.000 - 20.000 đồng/1kg. Còn nếu bán lẻ cho thương lái phục vụ thị trường nội địa thì khoảng 30.000 – 35.000 đồng/1kg. Theo tính toán, vụ mùa đầu tiên này, hàu đạt chất lượng tốt, nuôi đủ ngày, đủ tháng và được giá sẽ thu về hàng tỷ đồng.”
Được biết hiện nay, nuôi hàu treo dây phát triển ở nhiều các địa phương có cửa sông, cửa biển. Ngoài thị trường nội địa, hàu thương phẩm phục vụ xuất khẩu đi các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…
Với triển vọng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững mà nghề nuôi hàu đại dương mang lại, ở dọc cửa Gianh, không chỉ vợ chồng anh Trong mà nhiều hộ gia đình khác ở bờ bên kia thuộc các xã Thanh Trạch, Hạ Trạch (huyện Bố Trạch) nhiều hộ gia đình cũng liên kết, hùn vốn nuôi hàu treo dây. Nuôi hàu đại dương đang là hướng đi mới giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, nuôi hàu treo dây ở vùng cửa Gianh là mô hình mới và kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Chính quyền địa phương và các phòng chức năng đã chủ động hướng dẫn người dân các quy định về việc sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, bảo đảm môi trường sinh thái, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Bùi Tuấn