Quảng Nam: Lan tỏa phong trào “Tộc văn hoá”

Qua phong trào xây dựng Tộc văn hoá, đến nay tại Quảng Nam có 15/18 huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động xây dựng “Tộc văn hoá”; trong đó có 1.609 lượt tộc được công nhận Tộc văn hoá. Thông qua các tiêu chuẩn xây dựng Tộc văn hoá, các chuẩn mực văn hoá truyền thống, văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ được đề cao và khẳng định…

Theo báo cáo tại Hội nghị cho biết, cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó xác định thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Ở Quảng Nam, phòng trào xây dựng Tộc văn hoá khởi phát từ thị xã Hội An (năm 1996) và lan toả rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó góp phần khơi dậy tinh thần của các dòng họ, gia đình và cộng đồng dân cư trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.Sáng 16/12, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã phối hợp đồng tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện phong trào xây dựng Tộc văn hoá (2015-2020) và triển khai phương hướng, nhiệm vụ, bàn giải pháp triển khai giai đoạn 2021-2025.

Quảng Nam: Lan tỏa phong trào “Tộc văn hoá” - Ảnh 1
Để tiếp tục thúc đẩy phong trào ngày càng chất lượng và phù hợp với tình hình, điều kiện mới, năm 2015, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và Sở VHTT&DL phối hợp xây dựng Kế hoạch liên tịch triển khai thực hiện phong trào “Tộc Văn hoá” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, các địa phương, đơn vị đã quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp linh hoạt, đa dạng.

Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh (trừ một số huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số) đã tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện phong trào; tiến hành xây dựng “Tộc ước”, tổ chức các hội nghị, toạ đàm trong hội đồng gia tộc và các thành viên trong tộc để thông qua “Tộc ước”, phát động và vận động con cháu hưởng ứng xây dựng tộc văn hoá.

Trong sinh hoạt tộc họ, bên cạnh việc tri ân công đức tiền nhân, hội đồng các gia tộc chú trọng việc nhắc nhở, động viên con cháu thực hiện nghĩa vụ công dân đối với gia đình và xã hội; cam kết việc thực hiện việc cưới, việc tang vừa đảm bảo tính tốt đẹp của truyền thống dân tộc và văn minh, hiện đại nhưng phải tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật; biểu dương, khen thưởng các cháu học tập giỏi, thành đạt. Việc khuyến khích con cháu đến tuổi trưởng thành lập thân, lập nghiệp được các dòng họ chú trọng quan tâm.

Quảng Nam: Lan tỏa phong trào “Tộc văn hoá” - Ảnh 2

Nhiều tộc họ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các phong trào, mô hình như: mô hình phát triển kinh tế như “mô hình trồng cây thanh trà, tiêu, nuôi gà”, “Nhà sạch ngõ đẹp, vườn có hiệu quả”, “Tộc họ tiêu biểu”, “Tộc không có tệ nạn ma tuý”, “Mô hình trồng cam và cây ăn quả”, “Tộc họ đăng ký con cháu không sinh con thứ 3”, “Tộc họ đảm bảo an ninh trật tự” ở huyện Tiên Phước; mô hình tộc họ không có người vi phạm pháp luật, tộc họ đăng ký con cháu không vi phạm pháp luật giao thông huyện Núi Thành… Hay như tộc Phan làng Phiếm Ái (huyện Đại Lộc) đã hình thành tổ hoà giải gia tộc....

Ngoài các nội dung trên, nhiều tộc họ cũng quan tâm xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài; vận động con cháu đến trường với phương châm “học vì ngày mai lập nghiệp”; nhiều tộc có “Hội nàng dâu” tổ chức sinh hoạt thường xuyên để ghi nhận, biểu dương vai trò nàng dâu trong mỗi gia đình, dòng tộc. Trong đó, đáng chú ý là “Hội nàng dâu” trên địa bàn huyện Duy Xuyên hướng đến tôn vinh và nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người phụ nữ với tộc họ, thực hiện phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng tộc họ văn hoá tiêu biểu….

Theo đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, qua phong trào xây dựng Tộc văn hoá, đến nay tại Quảng Nam có 15/18 huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động xây dựng “Tộc văn hoá”; trong đó có 1.609 lượt tộc được công nhận Tộc văn hoá. Thông qua các tiêu chuẩn xây dựng Tộc văn hoá, các chuẩn mực văn hoá truyền thống, văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ được đề cao và khẳng định; tinh thần cố kết cộng đồng được gìn giữ và phát huy; phong trào xây dựng xã hội học tập, dòng họ học tập nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của đông đảo các hội đồng gia tộc. Nhiều tộc họ vận động con cháu cùng nhau hướng về cội nguồn, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu chính đáng; gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; lập quỹ khuyến học, khuyến tài, động viên, khích lệ con cháu vươn lên trong học tập. Nhiều tộc họ đã xây dựng được Câu lạc bộ “Nàng dâu hiếu thảo”, “Con, dâu hiếu thảo”, “Dâu hiền tộc họ” và hoạt động hiệu quả. Các tộc họ cũng tích cực vận động con cháu thực hiện đúng quy chế về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương…

Hội nghị đã ghi nhận và biểu dương, khen thưởng nhiều tộc họ, nhiều tập thế, cá nhân đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng Tộc văn hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong 5 năm qua./.

Nguyễn Tuyên

 

Từ khóa:
#h