Tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72.95 điểm trên thang điểm 100. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Không những vậy, tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn nhân lực đầu tư theo hình thức đối tác công, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Quảng Ninh cũng được đánh giá cao khi đang tiến tới thực hiện các khâu tiếp nhận, thẩm định phê duyệt, ký số, trả kết quả đều thực hiện trực tuyến. Nhờ những cải tiến này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được các doanh nghiệp đánh giá trong khảo sát PCI với 93% ý kiến tích cực.
Xếp sau tỉnh Quảng Ninh, ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số 72.8. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh của tỉnh Bắc Giang khi cải thiện 29 bậc, nâng 8.06 điểm so với PCI năm 2021.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương nhất quán “Đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang.
Theo khảo sát của VCCI, Bắc Giang chú trọng nâng cao nhận thức toàn bộ hệ thống chính quyền, liên tục tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh” trong năm 2021 và 2022.
Không những vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ pháp lý từ cơ quan, đơn vị tỉnh. Toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành được cập nhật thường xuyên lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Xếp sau Bắc Giang là các địa phương TP. Hải Phòng với 70.76 điểm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 4 với 70.26 điểm, đứng vị trí thứ 5 là tỉnh Đồng Tháp với 69.68 điểm.
Trong khi đó Hà Nội và TPHCM đều nằm ngoài top 10 về chỉ số PCI năm 2022, Hà Nội xếp thứ 20 còn TP.HCM đứng thứ 27.
Ở phía các địa phương có điểm thấp, Cao Bằng tiếp tục ở vị trí thấp nhất, đứng cuối bảng xếp hạng, với 59.58 điểm; Điện Biên ở vị trí 62, với 59.85 điểm và Bạc Liêu đứng thứ 61 (60.36 điểm). Điện Biên và Bạc Liêu trong PCI 2021 ở vị trí tương ứng là 53 và 55.
Báo cáo PCI 2022 được nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát, đánh giá dựa trên ý kiến phản hồi của 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tỉ lệ phản hồi đạt 20,47%. Chỉ số PCI được tính toán từ 142 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần, phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh.
Dữ liệu các chỉ tiêu được thông qua hoạt động khảo sát doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành. Qua đó, một địa phương có điểm số PCI cao hơn là phản ánh chất lượng điều hành kinh tế tốt hơn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Bảo Anh