Cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét theo hướng nâng cao giá trị, bảo vệ sinh thái, phát triển tuần hoàn và ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 80 dự án phát triển nông nghiệp, trong đó có hơn 10 dự án ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh để xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị. Những sản phẩm như lúa, dược liệu, hồ tiêu, cà phê, và chanh leo đã được chú trọng phát triển. Năng suất, sản lượng và diện tích lúa chất lượng cao, diện tích lúa cánh đồng lớn, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn đã có sự tăng trưởng mạnh so với nhiệm kỳ trước. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm ước đạt 290.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với mức bình quân nhiệm kỳ trước.
Nông nghiệp phát triển theo hướng hưu cơ, an toàn
Diện tích lúa chất lượng cao ước đạt trên 41.000 ha, chiếm hơn 80% diện tích gieo cấy, tăng thêm 2.000 ha so với năm 2020. Diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn ước đạt 11.780 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm 2020. Diện tích cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn đạt hơn 1.626 ha, tăng 692 ha so với năm 2020, trong đó diện tích sản xuất hữu cơ là 546,65 ha, canh tác tự nhiên là 151,2 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ là 529 ha, VietGAP là 197,8 ha và sản xuất an toàn thực phẩm là 202 ha.
Chăn nuôi đã được phục hồi và phát triển mạnh. Việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và quy trình chăm sóc được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của ngành.
Phương thức chăn nuôi đang chuyển dần sang mô hình trang trại công nghiệp, áp dụng công nghệ cao và an toàn sinh học. Toàn tỉnh hiện có 699 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng 396 trang trại so với năm 2020. Gần 50 dự án lớn đã được đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với tổng nguồn vốn cam kết hàng ngàn tỷ đồng.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được thực hiện hiệu quả. Tỉnh đã huy động và lồng ghép các nguồn lực để phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chuyển đổi cơ cấu giống lâm nghiệp theo hướng sử dụng giống nuôi cấy mô.
Quảng Trị hiện là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng gắn với chứng chỉ FSC, với diện tích gần 18.050 ha, tăng hơn 23% so với năm 2020.
Nuôi trồng thủy sản cũng tiếp tục phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, nhờ vào việc đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, đầu tư thâm canh.
Cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị, bảo vệ sinh thái, phát triển tuần hoàn và ứng dụng công nghệ cao
Cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn không ngừng được cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Dự báo đến năm 2025, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ đạt 75,8%, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt 32%, và có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để nông nghiệp Quảng Trị không chỉ hoàn thành tốt vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới, nâng cao đời sống người dân, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, các mô hình mới, xây dựng các vùng chuyên canh gắn với chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sản phẩm.
Tiềm năng và lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái cần được phát huy để định hình các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, kết hợp với ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, công nghệ cao về giống, sinh học, kỹ thuật sản xuất và thu hoạch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, áp dụng công nghệ cao trong kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng giống cũng là một trong những mục tiêu quan trọng.
Tỉnh cần tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng bền vững và hiệu quả, tăng cường bảo vệ và tái sinh nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, phát triển rừng trồng và thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ các bon, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP. Mở rộng liên kết với các doanh nghiệp lớn để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ và tiếp cận thị trường quốc tế qua các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng là một giải pháp quan trọng.
Để đạt được những kết quả tốt hơn thì tỉnh Quảng Trị cần có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, chuyển đổi số và kiểm soát chất lượng sản phẩm…
Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Cùng với đó, cần đổi mới tổ chức sản xuất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành. Đặc biệt, lực lượng lao động trẻ ở nông thôn cần được đào tạo để chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Với tiềm năng và thế mạnh về điều kiện tự nhiên, Quảng Trị có nhiều lợi thế để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị và tăng cường liên kết sẽ giúp nền nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
Diễm Phước