Theo đó, thống kê từ sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3 vừa qua đạt 469,9 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 2, và tăng 13,2% so với tháng 3 năm ngoái.
Các thị trường tiêu thụ quan trọng vẫn là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đều tăng trưởng tốt. Đặc biệt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, ngành rau quả xuất khẩu bứt phá trong quý I/2024 là nhờ sự đóng góp rất lớn của sầu riêng trái vụ, khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan đã tăng mua loại quả này trong thời gian gần đây.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (cập nhật đến hết tháng 2/2024), Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4. Cụ thể, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 28,6 triệu USD (tăng gần 126% so với cùng kỳ năm 2023), đưa thị phần của Thái Lan tăng từ 2% lên gần 4%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến, năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có trái sầu riêng của Việt Nam, sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, trái dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Hoa Kỳ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng 112%... Thuận lợi về mặt hàng, thuận lợi về thị trường là động lực thúc đẩy ngành hàng rau quả thiết lập kết quả xuất khẩu kỷ lục trong năm 2024.
Các chuyên gia dự báo, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho mặt hàng rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và các khu vực lân cận tăng mạnh, nhất là đối với mặt hàng quả sầu riêng, dừa, thanh long, mít, chuối, xoài…
Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này còn rất lớn.
Với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của các thị trường này, trong đó có yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm….Muốn sản phẩm rau xuất khẩu sang các thị trường khó tính và có yêu cầu cao, cần phải xây dựng những quy định để bảo đảm có nguồn cung cấp bền vững, đặc biệt phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến.
Theo đó, trước hết, cần xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng cao. Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau quả. Thứ ba, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thứ tư, phát triển hệ thống logistics ngành rau quả và công nghiệp phụ trợ cho xuất khẩu rau quả. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm rau quả để nâng cao sức cạnh tranh thông qua phát triển hạ tầng cơ sở và logistics: Thiết lập trung tâm logistics sản phẩm nông sản tại các vùng, địa phương có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất rau quả nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lưu thông hàng hóa; Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển hệ thống logistics theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ rau quả; Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả; phát triển các loại bao bì đóng gói rau quả tươi và sản phẩm chế biến thân thiện môi trường, các loại phụ gia thực phẩm, chất bảo quản rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm...
Tiến Hoàng