Theo đó, Kết thúc quý 1/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) ghi nhận 4.585 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lại giảm 14%, còn 650 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do tập đoàn này hụt khoản thu từ bồi thường thu hồi đất và trả đất về địa phương (hạch toán vào khoản mục lợi nhuận khác). Nếu loại trừ khoản lợi nhuận này thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Cao su Việt Nam tăng gần 16%, đạt hơn 708 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Hoạt động kinh doanh của Cao su Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ việc giá cao su trên thị trường hồi phục mạnh. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cao su Việt Nam, giá bán cao su trung bình trong quý 1/2024 của tập đoàn đạt 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo giá bán cao su trung bình trong cả năm nay sẽ tăng 6 - 10% so với năm 2023. Trong năm ngoái, giá cao su đã giảm tới 11%, xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Tính đến cuối quý I, tập đoàn có tổng tài sản hợp nhất 76.913 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 1.150 tỷ đồng so với đầu kỳ. Các khoản dài hạn chiếm hơn 53.938 tỷ đồng trong cơ cấu tài sản của tập đoàn. Nợ phải trả cũng giảm đáng kể so với đầu kỳ, theo đó từ 23.084 tỷ đồng còn 20.894 tỷ đồng. Hơn 7.722 tỷ đồng nợ phải trả của tập đoàn là các khoản ngắn hạn.
Vốn chủ sở hữu của tập đoàn hiện đạt 56.018 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện đạt 5.896 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được thông qua tại phiên họp bất thường vào cuối tháng 3, tập đoàn đặt mục tiêu năm nay ghi nhận doanh thu và thu nhập đạt 24.999 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 4.104 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu là 16,42% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 10,26%.
Riêng chỉ tiêu doanh thu của công ty mẹ là 3.988 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.454 tỷ đồng. Công ty mẹ đặt mục tiêu chia cổ tức 3% vốn điều lệ.
Hiện thị trường cao su toàn cầu đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung khi Thái Lan và Indonesia, hai quốc gia sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, đối mặt với tình trạng khô hạn. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng cao cũng thúc đẩy giá cao su tăng lên.
Về phía nhu cầu, Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 70% lượng xuất khẩu cao su từ Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023, được dự báo sẽ duy trì doanh số ô tô ổn định và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, từ đó dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng.
Với triển vọng lạc quan của thị trường cao su hiện nay, hãng chứng khoán Mirae Asset Securities Vietnam (MASV) dự phóng doanh thu năm nay của Cao su Việt Nam ước đạt 25.681 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế tăng tới 45,4%, đạt 4.904 tỷ đồng.
Trong báo cáo thường niên công bố mới, ban lãnh đạo công ty đánh giá mục tiêu này được xây dựng theo hướng thận trọng bởi môi trường kinh doanh năm nay được dự báo khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Cụ thể, giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp và khó đoán định; gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên nhu cầu, giá bán có xu thế tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn. Giải pháp gia tăng nguồn thu khác để bù đắp cho hoạt động sản xuất kinh doanh (thoái vốn, trả đất về địa phương) dự báo còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách
Tập đoàn cũng công bố đề án tái cơ cấu đến năm 2025. Trong đó, năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn là 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 5.051 tỷ đồng; Luỹ kế giai đoạn 2021 – 2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 135.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn ước đạt 25.075 tỷ đồng.
Được biết, tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tiền thân là Tổng Công ty Cao su Việt Nam được thành lập năm 1995. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được chuyển đổi từ mô hình Tổng Công ty Nhà nước sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con từ năm 2006. Ngày 1/7/2010 công ty được chuyển đổi từ mô hình Công ty mẹ - Công ty con thành Công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu. Tháng 2/2018, VRG tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Ngày 01/06/2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chính thức chuyển đổi và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (VRG) là Tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt. Ngành nghề kinh doanh chính của VRG tập trung vào 5 lĩnh vực truyền thống, bao gồm: Trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su; Chế biến, sản phẩm các loại gỗ; Sản xuất sản phẩm công nghiệp từ nguyên liệu cao su; Đầu tư phát triển khu công nghiệp trên đất cao su; Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
VRG hiện quản lý hơn 410.000 ha cao su ở trong và ngoài nước. Trong đó, diện tích cao su trong nước là gần 300.000 ha, hơn 87.000 ha tại Campuchia và gần 30.000 ha tại Lào. Mỗi năm VRG sản xuất bình quân 320.000 tấn cao su các loại. Tuy chỉ chiếm 30% diện tích và sản lượng cao su cả nước, nhưng VRG giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển. Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thiên tai, bão lũ... tuy nhiên với nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân viên, VRG đã gặt hái được những kết quả nổi bật. Cụ thể, VRG ghi nhận doanh thu đạt 21.171,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.230,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,9% và 36,4% so với thực hiện trong năm 2019.
Tiến Hoàng