Quy định mới: Giấy phép lái xe có 12 điểm, sẽ bị trừ nếu vi phạm

Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/một năm, nếu trong một năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm.

Ngày 15.3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra ý kiến trong dự thảo Luật Trật tự và An toàn giao thông đường bộ. Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe nhằm nâng cao ý thức của người lái xe. Theo dự thảo luật, vi phạm pháp luật về trật tự và an toàn giao thông đường bộ sẽ dẫn đến trừ điểm của giấy phép lái xe. Trong vòng 12 tháng, nếu không bị trừ điểm, điểm sẽ được phục hồi đầy đủ 12 điểm, miễn là giấy phép lái xe còn điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, người lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật liên quan, không phải thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Khi đạt được kết quả đủ yêu cầu, điểm sẽ được phục hồi. Nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe vẫn được phép tham gia giao thông. Đa số đại biểu Quốc hội đã đồng ý rằng đây là một biện pháp quản lý nhà nước hiện đại và văn minh, phù hợp với điều kiện kinh tế số, xã hội số và phát triển công nghệ.

Qua thảo luận, thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết đã phối hợp với cơ quan soạn thảo dựng dự thảo Điều 57 về điểm của Giấy phép lái xe như trong dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định các nguyên tắc về trừ điểm, khôi phục điểm.

“Điều 57. Điểm của Giấy phép lái xe”

1. Điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.

2. Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

3. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.

4. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

5. Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.

6. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe.

7. Chính phủ quy định chi tiết Khoản 2 và Khoản 6 Điều này; quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn hơn 500 nghìn giấy phép lái xe, dẫn đến việc người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, từ đó tác động đến các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân; việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép lái xe không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Quy định của Chính phủ về trừ điểm giấy phép lái xe và yêu cầu người bị trừ hết điểm phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm vừa quản lý chặt chẽ người được cấp giấy phép lái xe, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện, có ý thức hơn trong việc chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Việc làm nêu trên còn giúp cơ quan chức năng quản lý người lái xe vi phạm trong suốt quá trình chấp hành pháp luật cho đến việc tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.