Theo nghiên cứu, đối với các giống trà thì độ cao nơi trồng là yếu tố quyết định đến hương vị của trà, đặc biệt là giống trà Ô long sẽ cho hương thơm và hậu ngọt hơn là trồng ở vùng đất thấp. Ngoài ra, kỹ thuật bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại trà bằng các phương pháp và chế phẩm sinh học cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của giống trà Ô long.
Để nhân giống những cây trà Ô long cao cấp, không chỉ chú ý đất đai, khí hậu, lượng mưa mà còn đòi hỏi người chăm sóc, quy trình sản xuất hiện đại. Từ khâu chọn hái lá trà, phơi khô, sao chế rồi gia công. Phải chọn những búp non một nõn hai lá, nõn có màu hồng tím, hai lá xanh non mềm thì sẽ cho ra thành phẩm hoàn hảo nhất. Dù không ủ ướp chất tạo hương hay hương liệu nào đó nhưng lá trà Ô long vẫn khiến cho người ta nhớ mãi không quên bởi hương thơm tinh tế, vị ngọt dịu cùng sắc trà sóng sánh, vàng nhạt.
Từ tháng 4 đến tháng 12 hằng năm sẽ là thời gian thu hoạch cho một vụ chè Ô long. Những búp chè tươi non sẽ được hái và chuyển về nơi chế biến. Công đoạn sản xuất ra chè Ô long cần được đảm bảo chính xác về cả thời gian và sự cẩn trọng trong từng giai đoạn chế biến. Thường thì sau khi được hái xong, chè sẽ được phơi héo, tiếp theo là đưa và phòng đông lạnh để ủ, được lên men, rồi viên tròn (tùy vào hình dạng của sản phẩm) và cuối cùng là được đóng gói trong môi trường chân không. Tất cả quá trình chế biến đều được đảm bảo vệ sinh và không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm chè Ô long luôn giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên nhất.
Có thể thấy, trà Ô long khác với các sản phẩm chè khác về hương vị và ngoại hình. Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng chè Ô long được chế biến theo các quy trình công nghệ khác nhau để sản phẩm có màu nước: Vàng sẫm, vàng đậm, vàng đỏ. Vị chè Ô long chát dịu có hậu hương chè có nét đặc trưng riêng thơm đượm, ta có thể pha tới nhạt nước mà chén trà vẫn thơm. Mùi thơm của bản thân búp chè không có lai tạp. Đây chính là nét đặc trưng riêng của chè Ô long mà các sản phẩm chè khác không có.
Nếu như trà Thái Nguyên được biết đến là loại trà thượng hạng thì trà Ô long được trồng tại Bảo Lộc - Lâm Đồng cũng không kém phần nổi tiếng bởi vị ngon chát nhẹ đầu lưỡi đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trên thị trường.
Tại Lâm Đồng, cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh. Do cây chè đã được trồng từ những năm 20 của thế kỷ trước nên nhiều diện tích chè nơi đây nay đã già cỗi, năng suất thấp. Trong những năm qua, nhất là từ năm 2002 đến nay trong các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cây chè, tỉnh đã tập trung mở rộng diện tích vừa đẩy mạnh “cuộc cách mạng giống”, cải tạo vườn chè đạt năng suất, chất lượng cao và từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, chè sạch. Đến nay, diện tích chè giống mới trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 32%, với 6.340 ha chè cành năng suất cao và 2.075 ha chè cành Ô Long chất lượng cao của Đài Loan (Trung Quốc). Và theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu chè đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu nâng tổng diện tích chè lên 28.000 ha, trong đó các giống chè năng suất, chất lượng cao chiếm 55%, đồng thời triển khai nhiều dự án cải tạo vườn chè.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam: Tất cả các giống chè hương để sản xuất chè Ô long lại ưa nhiệt độ trung bình hằng năm thấp, sẽ phù hợp nhất là đối với các vùng cao, có độ cao so với mực nước biển từ 800m trở lên. Có hai lý do, thứ nhất là nó tạo lên nhiệt độ trung bình trong năm thấp; thứ hai là biên độ ngày đêm cao, sẽ tạo được hương thơm của giống chè này. Khi sản xuất chè ở độ cao như thế thì sẽ phát huy được hương thơm của giống, tạo nên sản phẩm có chất lượng cao.
Còn nếu sản xuất ở các vùng thấp, trước đây chúng ta đã từng thử nghiệm sản xuất chè Ô long tại Thái Nguyên, đây là nơi có thổ nhưỡng tốt, các giống chè trồng ở Thái Nguyên cho chất lượng rất tốt nhưng riêng để sản xuất chè Ô long thì do nhiệt độ trung bình ở Thái Nguyên cao hơn các vùng cao và biên độ nóng lạnh ngày đêm không đạt được, do vậy chè Ô long sản xuất ở Thái Nguyên không phát huy được thế mạnh của nó và nó không tạo ra được chất lượng, hương thơm và hương vị của Ô long. Vì vậy, chất lượng sản xuất chè Ô long sản xuất tại Thái Nguyên không thể bằng các vùng khác, đặc biệt là đối với Lâm Đồng.
Cũng theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, Lâm Đồng là vùng trồng chè Ô long tốt nhất, vùng thứ hai có thể trồng chè Ô long phát huy được là ở Mộc Châu - Sơn La, đây là vùng có độ cao và biên độ nóng lạnh ngày đêm cao, khoảng cách giữa nhiệt độ ban ngày và nhiệt độ ban đêm sẽ chênh lớn, do đó tạo ra hương thơm trong chè. Vùng này cũng sản xuất được chè Ô long tốt.
Với những ưu điểm vượt trội của mình, chè Ô long đã là một trong những sản phẩm tin cậy của mọi nhà. Nếu ai đó đã từng được thưởng thức một tách trà Ô long nóng hổi trong một ngày đông giá rét, hay được uống một cốc trà mát lạnh vào một ngày hè oi ả chắc hẳn sẽ phải nhớ mãi dư vị của nó.
Di Linh