Chọn giống
Tùy vào địa hình và chất đất để chọn các loại giống thích hợp, ưu tiên chọn những loại giống có khả năng chống chịu thời tiết và sâu bệnh tốt, giống cây chè cho ra chất lượng cao phù hợp với nhu cầu sản xuất và có khả năng sinh trưởng mạnh.
Theo cố vấn chuyên ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, giống chè nơi đây phải được nhân vô tính theo biện pháp giâm cành chè trong túi bầu đất. Do đó, cây chè sẽ được trồng trọt theo công nghệ tiên tiến, thâm canh cao theo xu hướng tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm sử dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.
Kỹ thuật trồng
- Thời vụ: Có hai thời vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 2,3) và vụ thu (tháng 8,9,10). Vùng chủ động tưới có thể trồng quanh năm.
- Giống chè: Sử dụng các giống chè xanh chất lượng, trong danh mục giống cây trồng được Bộ NN-PTNT cho phép.
- Chuẩn bị đất trồng: Thiết kế đồng bộ ngay từ đầu hệ thống đường, các công trình phụ trợ, cây che bóng, cây phân xanh. Nơi có độ dốc bình quân < 8 độ thiết kế hàng chè thẳng theo hàng dài nhất, song song với đường bình độ chính, hàng cụt bố trí ở phía rìa ô. Nơi có độ dốc bình quân > 8 độ, thiết kế hàng chè theo hàng đồng mức, hàng cụt bố trí xen kẽ và tập trung thành hàng đôi.
- Kỹ thuật làm đất: Đất trồng phải được cày sâu, vùi lớp đất mặt xuống dưới. Đào rãnh trồng chè với khoảng cách 1,3 - 1,35m; Rạch đào với kích thước 40 x 40cm.
- Bón phân lót: Phân hữu cơ ủ hoai mục 20 - 30 tấn/ha. Phân P2O5: 100 - 150 kg/ha (tương đương 600 - 800 kg supe lân/ha); Cách bón: Trộn phân hữu cơ với phân lân rải đều lên rạch hàng đã đào sau đó phủ kín đất tơi xốp lên trên cách mặt đất 5 - 10cm.
- Kỹ thuật trồng: Hàng cách hàng 1,3 - 1,35m, cây cách cây 0,35 - 0,4m tương ứng với mật độ 20.000 - 22.000 cây/ha. Trên hàng chè đã bón lót, cuốc hố trồng sâu 20 - 25cm, đặt bầu chè theo một hướng xuôi chiều gió chính, lấp đất, nén đất đều xung quanh bầu sau đó lấp phủ lớp đất tơi trên cổ rễ. Trồng xong tủ cỏ, rác không có khả năng tái sinh hai bên hàng chè.
- Trồng cây phân xanh (cây cốt khí) với lượng hạt 7 - 10kg/ha, trồng trên hàng xông của rạch chè, cách gốc chè ít nhất 40cm về mỗi bên.
- Trồng cây bóng mát cứ 6 - 8 hàng chè trồng 1 hàng cây bóng mát bằng các loại cây bộ đậu (muồng lá nhọn, muồng hoa vàng...), trồng cùng hàng hay giữa hai hàng chè, mật độ từ 150 - 200 cây/ha.
Quy trình chăm sóc
Không chỉ sở hữu truyền thống trồng chè được lưu truyền qua mỗi thế hệ, chứa đựng những tinh hoa của nhiều ông cha mà Thái Nguyên còn sở hữu một điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu ái. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi trà Thái Nguyên có chất lượng vượt trội là nhờ vào điều kiện tự nhiên rất tốt ở nơi đây. Chính những điều này đã làm nên một văn hóa trà Việt, một đặc sản tinh túy nức tiếng gần xa.
Để làm ra sản phẩm chè ngon, người làm chè phải thực sự có tâm huyết với nghề. Ông Đinh Văn Bé - người dân trồng chè lâu năm cho biết: Chè là một cây cực kì khó tính và nhạy cảm. Người Thái Nguyên bón chè bằng phân vi sinh, thuốc sâu chế biến từ cây khổ sâm, làm giảm tối đa những tác động hóa học vào cây chè để giữ được hương vị tự nhiên nhất của sản phẩm này.
Theo đó, cây chè sẽ được tưới nước theo định kỳ để cung cấp đủ nước cho cây nhất là vào mùa khô và khi trái đang lớn và sắp chín. Đồng thời, phủ lên gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại mọc; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
Ngoài ra, việc phòng trừ sâu bệnh cho cây chè bằng biện pháp canh tác (diệt cỏ, diệt mầm bệnh, côn trùng) và biện pháp sinh học (trồng cây bóng mát với loại thích hợp và có mật độ đảm bảo độ ẩm trên nương chè cũng được người dân chú trọng.
Đặc biệt, khi hái chè, dụng cụ đựng phải bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang vào lán. Chè đựng bằng bao nilong và phơi nắng lâu rất dễ bị ôi chè, phẩm cấp giảm. Hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè. Điều này cũng tạo điều kiện cho chè lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn.
Có thể thấy, đối với Người Việt Nam, dù trên dọc dài đất nước, có rất nhiều vùng chè, nhưng trong nghĩ suy mỗi người đều nhắc nhớ về chè Thái Nguyên. Nên nhà có việc đều muốn tìm mua chè Thái Nguyên để sử dụng, phổ biến nhất là trong việc tạo dựng hạnh phúc cho con cháu; làm quà biếu người thân; làm lễ vật dâng lên ban thờ tổ tiên; đãi đằng bạn tri âm, tri kỷ…
Nhân Lê (t/h)