Quyết liệt gỡ "Thẻ vàng" IUU

Sau sáu năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” trong khai khác hải sản và sáu tháng sau đợt thanh tra thứ tư của đoàn thanh tra EC, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp quyết liệt gỡ cảnh báo thẻ vàng trong khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Các doanh nghiệp cam kết “nói không với IUU”

Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng ý kéo dài thời hạn cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản của Việt Nam đến hết tháng 4/2024. Tuy nhiên, để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5, Việt Nam chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định…

Quyết liệt gỡ "Thẻ vàng" IUU - Ảnh 1

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong quản lý nhà nước, đặc biệt tại công đoạn sản xuất ban đầu trong chuỗi sản xuất, chế biến thuỷ sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản thực hiện cam kết “nói không với IUU”; chỉ mua nguyên liệu thuỷ sản từ tàu cá có đủ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), cam kết ATTP để đảm bảo tuân thủ pháp luật ATTP và chống khai thác IUU.

Đồng thời thực hiện nghiêm túc Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về truy xuất nguồn gốc và thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo ATTP, trong đó quy định: cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước, một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

Khi có yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Nhiều quy định mới nhằm quyết liệt gỡ "Thẻ vàng" IUU

Phát biểu tại tại Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2017/NQ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Thông tư số 23/2018/TT- BNNPTNT, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

So với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật đó là bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Quyết liệt gỡ "Thẻ vàng" IUU - Ảnh 2

Nghị định sửa đổi cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam nhằm tạo khung pháp lý để duy trì và thúc đẩy việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam nhằm thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.

Nghị định cũng quy định việc kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam; kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm IUU.

“Nghị định số 37/2024 có hiệu lực từ ngày 19/5 và Nghị định 38/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5, cả hai Nghị định mới ban hành này đều theo hướng kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt cá hợp pháp theo khuyến nghị của EC, qua đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc chống đánh bắt IUU, không chỉ vì mục tiêu gỡ ‘Thẻ vàng’ trước mắt, mà quan trọng là tạo chuyển biến thực sự của hoạt động thủy sản sang hướng bền vững”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

Đánh giá về việc gỡ “Thẻ vàng” IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về việc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Cùng với đó là các nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung đã được ban hành; các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). “Chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến nhưng để gỡ được ‘Thẻ vàng’ thì các địa phương cần nỗ lực hơn nữa. Các địa phương cần tiếp tục tập trung vào quản lý giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định mới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.a

Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu đánh bắt cá lớn nhất cả nước với hơn 8.210 chiếc đăng ký; trong đó, tàu cá chiều dài từ 15m trở lên là 3.634 tàu. Những năm trước, do ngư trường suy giảm nghiêm trọng, một số tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, nhờ thực hiện quyết liệt qua từng năm, nhất là sau lần kiểm tra thứ tư của EC, số tàu cá ở Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài giảm dần.

Năm 2023, số tàu vi phạm còn 16 vụ, 22 tàu (giảm 2 vụ, 4 tàu so với năm 2022). Sau đợt kiểm tra thứ tư về IUU vào tháng 10/2023, đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra 4 hạn chế mà Kiên Giang cần khắc phục sớm là: Vẫn còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; vẫn còn tàu mất kết nối; việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chưa bảo đảm; công tác quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, trong đó vẫn còn tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Ðến nay tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Theo đó, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, khắc phục triệt để các bất cập, hạn chế, yếu kém về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất.

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương mà đoàn thanh tra lần thứ tư của EC trực tiếp kiểm tra vào tháng 10/2023. Ðến nay, công tác triển khai phòng chống IUU đạt nhiều kết quả tốt. Tổng số tàu cá của tỉnh là 4.484 tàu, trong đó tàu hoạt động vùng khơi là 2.734 tàu (chiếm 60,97%), vùng lộng 623 tàu (chiếm 13,89%), vùng ven bờ 1.127 tàu (chiếm 25,14%). Tổng số tàu cá của tỉnh có xu hướng giảm dần, phù hợp quy hoạch chiến lược phát triển của ngành.

Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành với các lực lượng chức năng như Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển III, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, lực lượng kiểm Ngư, và tổ phản ứng nhanh của các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên theo dõi, xử lý thông tin tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển, khắc phục được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa có tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Tỉnh đã cập nhật 100% thông tin dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia, cấp đăng kiểm tàu cá (cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên) cho 2.341 tàu trong tổng số 2.734 tàu đã đăng kiểm, tỷ lệ đăng kiểm còn hạn đạt 85,63%; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 2.727/2.734 tàu, đạt 99,74%; đã có 2.647/2.734 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho 2.627/2.734 tàu (đạt 96,09%). Ðặc biệt, tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tàu cá vi phạm...

Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, táng 4/2024 là đợt cao điểm để Việt Nam gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của châu Âu. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu sang Bỉ làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) nhận thông tin để chuẩn bị cho chuyến thanh tra tiếp theo.

Đại sứ Julien Guerrier cũng kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có báo cáo đầy đủ về tiến độ đáp ứng các yêu cầu của châu Âu. Một số khuyến nghị EC đưa ra vào đợt thanh tra lần thứ 4 gồm đảm bảo thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase là hoàn toàn chính xác và có cơ chế theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá theo quy định. Bên cạnh đó, rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS.