Rượu mùa Xuân

Trong các loại đồ uống không có gì sánh được với rượu. Đây là thứ đồ uống làm cho người ta nghiện, người ta thèm nhớ, người ta mong chờ. Đặc biệt quan trọng trong đời thường và đời sống tâm linh. Tại các dịp cúng tế, lễ tết, giỗ chạp không có rượu là không thành, không xong nên mới có câu “Vô tửu bất thành lễ” (Không có rượu không thành lễ).

Rượu mùa Xuân - Ảnh 1

Rượu càng nổi tiếng từ đời nhà Tấn (Trung Hoa), tác giả Lưu Linh đã sáng tác một áng văn hay, nhan đề “Tửu đức tụng” (ca tụng đức của rượu), có đoạn như sau:

Đại Nhân lấy Trời Đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, một lát, lấy mặt trời, mặt trăng làm cửa, làm ngõ. Lấy cả thiên hạ làm sân, làm đường. Đi không thấy vết xe, ở không thấy nhà cửa. Trời tức là màn, Đất tức là chiếu, ý muốn thế nào thì thế. Lúc ở thì nâng chén cầm bầu, lúc đi thì vác chai xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến gì nữa. Vì vậy Ông có biệt danh “Đại tiên tửu”.

Rượu mùa Xuân - Ảnh 2

Rượu càng nổi tiếng hơn khi “Tiên thi” Lý Bạch viết bài thơ “Tương tiến tửu” (mời nhau cùng uống rượu) có đoạn:

Trần Vương thơ túi rượu bình

Rót mười ngàn chén mới thành cuộc vui

Sao lại tiếc tiền vơi bạc ngót

Áo cầu đây, ngựa tốt ngàn vàng

Trẻ đâu đem cả vào làng

Đổi thành rượu uống cho tan cổ sầu

Đãi bạn rượu một vạn chén chưa đủ lại sai hầu cận đem cả vào Trang (Làng) để đổi lấy rượu uống. Vào thời cách nay hơn một ngàn năm thì áo cầu là áo được may bằng lông Cáo trắng hoặc Chồn trắng cực kỳ hiếm quý.

Rượu mùa Xuân - Ảnh 3

Vào thời nhà Đường, chiếc áo có giá hơn một nghìn lạng vàng cộng với con ngựa quý cũng có giá một nghìn lạng. Như vậy hai ngàn lạng tương đương cả trăm tỷ tiền Việt Nam hiện nay.

Với số tiền như vậy thì không phải mua được vò rượu mà mua được ao rượu, hồ rượu và tiên thi Lý Bạch là một người đại hào hoa, “siêu ga lăng”. Tại sao Ông lại có tính cách phóng khoáng như vậy? Vì đã có một thời gian Ông mang gươm đi đấu võ do đó Ông có tính cách của Thi sĩ và Hiệp sĩ. Tuy nhiên, cuộc đời sóng gió, từng trải không làm Ông chai sạn, nhàm chán mà thơ Ông cũng đầy cảm xúc cùng lòng yêu thương con người thể hiện trong bài “Tương tiến tửu”:

Anh không thấy tóc tơ ngày nọ?

Sớm đương xanh chiều đã tuyết sương

Nhà cao ai đứng trong gương

Trông lên tóc bạc mà thương phận người

Trong phận người có cả phận mình và “thương người như thể thương thân”, do vậy thương người cũng bao gồm cả thương chính mình. Đây chính là nhân đạo, nhân văn. Vào thời Xuân Thu cách nay ba nghìn năm có câu chuyện “can Vua bỏ rượu”.

Rượu mùa Xuân - Ảnh 4

Khi đó nước Tề có Vua Tề Cảnh Công nghiện rượu, có lần Vua say mấy ngày, sao lãng cả việc nước. Thấy vậy có một hiền thần là Huyền Thương can Vua: Nhà Vua cứ uống rượu say sưa, bỏ cả việc Quốc gia đại sự. Hạ thần xin can, nhà Vua không nghe, kẻ hạ thần xin tự tận. Ngay lúc ấy Án Tử (mệnh danh là Án Anh mệnh danh là Mạnh Thường Quân) vào yết kiến Vua. Vua nói “Huyền Thương can ta bỏ rượu, không thì y tự tận. Nếu nghe thì ta hóa ra non, mất thế, mất uy. Nếu ta không nghe, lỡ Thương chết thì cũng rất đáng tiếc. Án Tử tâu:

May lắm! may mà Huyền Thương gặp được nhà Vua, chớ như Vua Trụ, Vua Kiệt thì chết mất rồi, còn đâu sống được đến bây giờ nữa!

Cảnh Công nghe nói tỉnh ngộ, từ hôm đó chừa rượu. Ngày xưa các bậc vua chúa, đế vương nghe các cận thần can gián mà bỏ được rượu. Còn ngày nay thì sao? Có những xứ sở người người uống rượu, nhất là vào những ngày Lễ, Tết thì nhiều người uống vô tội vạ. Mặc dù đã có luật cấm uống rượu khi lái xe song nhiều lái xe không chấp hành và gây ra biết bao nhiêu tai họa, mặc dù dân oán, Nhà Nước nghiêm lệnh, pháp luật không dung mà họ vẫn phớt lờ, thật đáng chê trách và lên án.

Trong dân gian có câu ca dao:

Tay tiên chuốc chén rượu đào

Đổ đi thi tiếc, uống vào thì say

Đừng lãng mạn, tình tang nữa. Đừng cầm đèn chạy trước ô tô, Đừng vạch lối cho Hươu chạy, nối giáo cho giặc. Kiên quyết cắt đứt, Đừng tiếc “con gà quạ tha” dứt khoát đổ đi, các vị cần nhớ lời người xưa: “Nhân túy tửu như cẩu cuồng tại thị” (người say rượu như chó điên giữa chợ). Câu nói thật là sâu xa, đanh thép. Người điên thật đáng sợ. Chó điên còn đáng sợ hơn vì nó mang vi trùng dại làm chết người. Theo luật có thể khép vào tội giết người, là tội ác man rợ, gây ra cái chết thê thảm.

Tuy nhiên tạo hóa sinh ra muôn vật và vật nào cũng có hai mặt, rượu cũng vậy, nếu biết cách sử dụng thì rượu cũng có tác dụng tốt nhất định. Đừng bao giờ để rượu biến con người thành con thú “hoang điên” mà khi Xuân đến, khi ăn Tết có thể dùng một ly rượu nhỏ để làm đàn ông thêm phấn chấn, để làm đàn bà thêm đẹp vì má thêm hồng. Song cũng cần lưu ý cái gì cũng có cái “ngưỡng”. Đừng bao giờ vượt ngưỡng. Thế nào là “tín ngưỡng” tin cũng phải có “ngưỡng” và tửu cũng phải có “ngưỡng”.

Rượu mùa Xuân - Ảnh 5

Rượu là một thứ nước, mà đã là nước thì có một thứ quyền lực mềm, tuy mềm nhưng lại vô cùng cứng có thể cắt được sắt thép kể cả kim cương. Trong công nghiệp phải dùng đến nước mới cắt được những vật liệu cứng, các loại máy móc không cắt được và phải nhờ đến nước với quy luật “nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Rượu là chất lỏng nên nó có tác động rất mạnh và rất nhanh tới hệ tuần hoàn. Nó len lỏi vào những vi ti huyết quản đến động mạch chủ của con người. Nó tác động vào hệ thần kinh động vật và cả hệ thần kinh thực vật nên một khi uống quá nhiều rượu thì con người không thể tự điều khiển được. Khi đó, cả lý trí lẫn cảm xúc đều lệch lạc, chệnh choạng - lục phủ ngũ tạng đều bị ảnh hưởng. Đầu óc thì choáng váng. Chân tay thì run rẩy. Bởi vậy, không phải lúc nào cũng được uống rượu và khi uống phải có chừng, có mực. Hãy tâm niệm câu châm ngôn: “không lo xa thì thấy cái họa gần”.

Danh nhân Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu có bàn về uống rượu mùa Xuân trong bài thở “gặp Xuân”, bàn về tình yêu, tình bằng hữu, nỗi niềm tri kỷ, dường như không bao giờ vơi cạn cảm xúc, ý tưởng:

Còn sau nữa lại bao nhiêu Xuân nữa

Mặc Trời cho, ta chửa hỏi làm chi

Sẵn rượu đào Xuân uống với ta đi

Chỗ quen biết kể gì ai chủ khách

Thiên cổ vi văn song Lý Bạch

Nhất niên hà đắc lưỡng Đông quân

Dẫu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần

Thơ với rượu cùng Xuân ta cứ thế

Ngoài trăm tuổi vắng ta trong trần thế

Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm

Cùng nhau nay hãy uống thêm

Tết đến rồi, xin mời nâng ly rượu Xuân, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, đó là ly rượu của niềm vui chứ tuyệt đối không phải là ly rượu để dẫn đến những nỗi buồn!

Tiến Khải

Tiến Khải

Từ khóa: