Sản phẩm OCOP - Điểm làm nên sự khác biệt của du lịch nông thôn

Mỗi sản phẩm OCOP là “sứ giả văn hóa” của địa phương, phản ánh truyền thống và phong tục của người dân. Các sản phẩm OCOP đã trở thành một yếu tố nổi bật, góp phần tạo nên sự khác biệt cho trải nghiệm du lịch. Chương trình này không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và chân thực.

Sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là những sản phẩm đặc trưng của các địa phương, được sản xuất và chế biến từ nguyên liệu địa phương. Chương trình OCOP được triển khai nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, và các dịch vụ du lịch, từ đó góp phần phát triển kinh tế bền vững cho nông thôn. Sản phẩm OCOP không chỉ đa dạng về chủng loại mà còn phong phú về chất lượng. Từ các sản phẩm thực phẩm như mật ong, trà, rượu, đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mỗi sản phẩm đều mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Điều này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho họ hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền.

Sản phẩm OCOP - Điểm làm nên sự khác biệt của du lịch nông thôn - Ảnh 1

Ở một khía cạnh khác, mỗi sản phẩm OCOP đều là "sứ giả văn hóa" của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm đó luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần. Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. 

Quảng Nam, nơi nổi tiếng với những làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì sản xuất, kết hợp làm du lịch như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh (Hội An), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước),…

Trong thời gian gần đây, các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng định hình, phát triển theo xu hướng du lịch xanh đang được nhiều du khách ưa thích lựa chọn. Xanh từ mô hình đến những hành động lan tỏa để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của vùng quê từ đồng bằng, miền núi, làng chài,… Chẳng hạn như công viên đất nung ở làng gốm Thanh Hà, không gian nghệ thuật Củi Lũ tái sinh phế liệu, kết hợp với điêu khắc mộc Kim Bồng, tour “Một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế, tour trải nghiệm cỡi trâu, trồng lúa nước, học làm ngư dân khám phá nghệ thuật hò bả trạo, hò khoan trên sông nước ở Cẩm Thanh, trải nghiệm văn hóa của đồng bào Cơ tu, Ca Dong ở các làng DLCĐ ở miền núi Quảng Nam,…

Cùng với đó, các sản phẩm  OCOP - sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị cũng sẽ được tiêu thụ, lan tỏa mang lại thu nhập cho người dân. Những mô hình du lịch nông thôn đã định hình được thương hiệu ở Quảng Nam đều hình thành và phát triển dựa vào khai thác giá trị tài nguyên của thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa riêng biệt của từng địa phương, do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và hưởng lợi. Những cách làm này là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn. Một khi đời sống ổn định, người dân địa phương sẽ trân quý, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống, văn hóa dân gian của địa phương mình, hướng tới mục tiêu môi trường.  

Sản phẩm OCOP - Điểm làm nên sự khác biệt của du lịch nông thôn - Ảnh 2

Với định hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm OCOP, góp phần đưa các sản phẩm du lịch, mua sắm đặc trưng mang màu sắc riêng của Lâm Đồng đến với khách du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 6195/KH-UBND ngày 18/7/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Công văn số 1959/SNN-PTNT ngày 15/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025.

Đến nay, Lâm Đồng đã hỗ trợ 6 mô hình/điểm thí điểm phát triển du lịch nông thôn; xây dựng 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch và đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục phát triển 1 sản phẩm du lịch nông thôn. Lâm Đồng cũng chú trọng xây dựng và thường xuyên quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, với 771 nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đươc cấp giấy chứng nhận và được người tiêu dùng (đặc biệt là khách du lịch) tìm kiếm, sử dụng và mua làm quà. Sản phẩm OCOP và các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đang góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao của Lâm Đồng nói chung và sản phẩm đặc sản của du lịch nông thôn Lâm Đồng nói riêng.

Điểm thu hút của các sản phẩm du lịch nói trên chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…

Đánh giá về tiềm năng khai thác các sản phẩm OCOP gắn kết với hoạt động du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các địa phương đều còn rất nhiều dư địa để phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn. Điều cốt lõi là có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ và căn cơ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho người dân được bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa hiệu quả hơn về khía cạnh văn hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ về chất lượng, mẫu mã mà còn cần kể những câu chuyện riêng liên quan đến từng sản phẩm, thông tin nhiều hơn về giá trị của nguồn nguyên liệu tại địa phương, cách thức sản xuất, chế biến riêng biệt. Có như vậy mới tránh được sự trùng lặp, mới tạo được giá trị gia tăng nhiều hơn.

Nói một cách khác, du lịch chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP. Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ lan tỏa đi nhiều nơi. Ở chiều ngược lại sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương. 

Hương Trà

Từ khóa: