Sản xuất chè bền vững ở Tuyên Quang

Vùng sản xuất và diện tích, sản lượng chè chất lượng cao, chè đặc sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang toàn tỉnh có 1.777ha, sản lượng đạt khoảng trên 14.000 tấn/năm. Hiệu quả sản xuất chè sơ bộ thu nhập trên 73 triệu đồng/ha/năm.

Được biết, số chuỗi liên kết sản xuất chè địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 2 chuỗi liên kết chính cụ thể, chuỗi liên kết sản xuất của các Công ty sản xuất với quy mô lớn gồm: 03 Công ty Cổ phần chè Tân Trào, Mỹ Lâm, Sông Lô đều thực hiện liên kết sản xuất giữa Công ty với các hộ dân trồng chè trong vùng nguyên liệu của Công ty quản lý, sử dụng.

Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) giao đất chè đến từng hộ gia đình
Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) giao đất chè đến từng hộ gia đình

Ngoài ra, các Công ty còn liên kết mở rộng liên kết với các hộ dân có đất đầu tư trồng, tiêu thụ chè. Tại các Công ty Cổ phần chè đều xây dựng mô hình liên kết tại các đội sản xuất. Đội trưởng điều hành chung thực hiện các công việc theo tiêu chí của Rainforest, giám sát sâu bệnh và kỹ thuật nông nghiệp, cấp phát vật tư, điều hành các công việc phòng trừ dịch hại, bón phân, đốn và thu hái chè, giao nhận sản phẩm chè búp tươi…

Trong đó, chuỗi liên kết của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất chè đặc sản với quy mô nhỏ như Công ty chè Núi Kia tăng đầu tư tại xã Hồng Thái; cơ sở sản xuất chè Luận Kỳ, cơ sở sản xuất chè Tuyên Thái Liên, Hợp tác xã Trung Long, Hợp tác xã Vĩnh Tân…thực hiện liên kết với các hộ trồng chè tại địa để đảm bảo quản lý và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng ngay từ khâu sản xuất. Tỷ lệ diện tích chè đã thực hiện liên kết theo chuỗi diện tích trên 1.5000 ha, đạt trên 18% diện tích chè toàn tỉnh.

Cùng với đó, định hướng phát triển chè trong thời gian tới của tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các dự án đầu tư, dự án sản xuất chè an toàn tại các vùng quy hoạch sản xuất chè an toàn trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo trồng thay thế diện tích chè giống cũ, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu về nguyên liệu chế biến của từng loại sản phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm chè áp dụng quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên chè.

Xây dựng thương hiệu hàng hóa một số sản phẩm như chè Shan Sinh Long, chè Shan Hồng Thái, tăng cường quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên doan, liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, Hiệp hội chè, Tổng Công ty chè Việt Nam tăng cường củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu; tìm kiếm, phát triển thị trường nội địa; hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ, đầu tư trang, thiết bị hiện đại để đa dạng hóa mặt hàng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu chè để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Mở rộng ứng dụng giải pháp “Cộng đồng quản lý sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật” tại các vùng nguyên liệu chè, đảm bảo đến năm 2020 đạt 100% diện tích trồng chè tập trung có bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và định kỳ được thu gom, tiêu hủy đúng quy định. Tập trung triển khai đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng. Mục tiêu đến năm 2020 trên 90% số hộ nông dân trồng chè hiểu biết và áp dụng IPM.

Vùng chè Shan tuyết xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang
Vùng chè Shan tuyết xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang

Đẩy mạnh việc liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với người trồng chè; áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè. Chú trọng phát triển các thương hiệu sản phẩm, ứng dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng diện tích áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ vườn chè tới sản phẩm cuối cùng tại nhà máy, đảm bảo đủ điều kiện chế biến chè xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình sản xuất theo VietGAP trên địa bàn tỉnh.

Sơn Thủy - Xuân Sỹ