Sản xuất chè ở Thái Nguyên: Tập huấn VietGAP thành công

Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng sản xuất, chế biến và canh tác chè cho người dân trên toàn tỉnh.

Buổi thực hành sao sấy trực tiếp tại xưởng sản xuất chè của Hợp tác xã BKQ Organic tại xóm Khe Mo 2. Ảnh nguồn internet
Buổi thực hành sao sấy trực tiếp tại xưởng sản xuất chè của Hợp tác xã BKQ Organic tại xóm Khe Mo 2. Ảnh nguồn internet

Trong tháng 6 vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất và chế biến chè cho bà con tại xã Khe Mo và các vùng lân cận trong huyện Đồng Hỷ. Tại buổi tập huấn đầu tháng ở xã Khe Mo, 45 người dân đã được chia sẻ những kiến thức cơ bản về trồng và chăm sóc chè, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, yêu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, và kỹ thuật thu hái, sao sấy, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài lý thuyết, bà con còn được hướng dẫn thực hành trực tiếp tại xưởng sản xuất chè của Hợp tác xã BKQ Organic tại xóm Khe Mo 2.

Bà Tiệp, một người dân xã Khe Mo, cho biết gia đình bà có 4 sào chè, chủ yếu tự sao sấy để bán. Trước đây, sản phẩm chè của gia đình thường bị khách hàng chê vì nước pha bị đỏ và không có mùi thơm. Sau buổi tập huấn, bà mới biết nguyên nhân là do búp chè bị dính nước mưa nhưng không được hong khô trước khi sao sấy. Tham gia tập huấn bà được hiểu thêm các kiến thức về canh tác, chế biến, sao sấy và cách sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Ông Năng Văn Lưu, xóm Khe Mo 1, chia sẻ rằng trước đây khi chè bị nhiễm bệnh, ông thường nhờ các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tư vấn. Nhiều khi mua thuốc về phun mà sâu bệnh vẫn còn, phải phun nhiều lần với các loại thuốc khác nhau. Tham gia tập huấn, ông đã hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, cách nhận biết các loại sâu bệnh để phòng trừ hiệu quả, và cách sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Cùng với lớp tập huấn tổ chức tại xã Khe Mo, từ năm 2023 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã mở 15 lớp về nâng cao tay nghề và kỹ thuật sản xuất, chế biến chè cho gần 700 người dân tại các vùng chè trên địa bàn tỉnh thái nguyên.

Vùng chè được trồng và chăm sóc, thu hái, sao sấy, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh nguồn internet
Vùng chè được trồng và chăm sóc, thu hái, sao sấy, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh nguồn internet

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vô Tranh (Phú Lương), chia sẻ: Kinh tế của người dân trong xã chủ yếu dựa vào cây chè, nên việc mở các lớp tập huấn ngay tại cơ sở là rất cần thiết. Nếu như trước đây, bà con ít quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản xuất chè thì nay hoàn toàn ngược lại. Các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đều được bỏ đúng nơi quy định. Các hộ cũng tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh.

Hiện Thái Nguyên có tổng diện tích chè trên 22.200ha, mang lại thu nhập thường xuyên cho khoảng 50% hộ dân. Tuy nhiên, ở một số nơi, giá trị kinh tế từ cây chè chưa cao do phương pháp canh tác và chế biến còn lạc hậu. Việc nâng cao hiệu quả sản xuất chè, gia tăng thu nhập đi đôi với sản xuất chè an toàn, bền vững và bảo vệ sức khỏe con người cùng môi trường là rất cần thiết.

Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề và kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm cho người dân trồng chè, đặc biệt là tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và làng nghề. Nội dung tập huấn cũng sẽ được đổi mới để người dân nhiệt tình hưởng ứng."

Với những kết quả tích cực đã đạt được từ các lớp tập huấn vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục mở rộng và đổi mới các hoạt động nâng cao năng lực cho người dân trồng chè. Đây không chỉ là việc đào tạo kỹ thuật chế biến và quản lý theo chuẩn VietGAP, mà còn là sự thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hy vọng qua sự hỗ trợ này, sản xuất và canh tác chè tại Thái Nguyên sẽ ngày càng phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào nơi đây.

Tâm Ngọc

Từ khóa: