Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,13 triệu tấn, tăng 14,4% so với năm trước, và kim ngạch đạt 4,67 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trung bình xuất khẩu gạo đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với năm trước. Đến hết quý I/2024, lượng gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 17,6%, với kim ngạch tăng 45,5% so với cùng kỳ quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, và giá trung bình đạt 653,9 USD/tấn.
Gạo Việt vẫn thống trị các thị trường quan trọng, không ngừng khẳng định sức mạnh và chất lượng của mình
Ngày 26/4 vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Hội nghị nhằm thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa vụ Hè - Thu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến sản lượng có thể đạt khoảng 7,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu sau khi đáp ứng nhu cầu nội địa. Đây là thông tin quan trọng định hướng cho hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Tình hình thị trường gạo thế giới trong năm 2024 được nhìn nhận qua sản lượng dự kiến đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, dẫn đến dự báo thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính đến tuần đầu tháng 4/2024, còn khoảng 3 triệu tấn lúa hàng hóa vụ Đông Xuân, tương đương khoảng 2 triệu tấn gạo. Trong khi đó, vụ Hè Thu 2024 đã gieo sạ được khoảng 440 ngàn ha/1,48 triệu ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Giá nội địa có dấu hiệu ổn định do nhu cầu thu mua lúa gạo nguyên liệu vẫn cao.
Trong lĩnh vực phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 và tiến hành đàm phán, trao đổi song phương với Philippines và Malaysia về việc ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo. Các biện pháp như ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ, cũng như giữa Việt Nam và Philippines đã được thực hiện. Đồng thời, hỗ trợ các thương nhân
hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Tổ chức các Đoàn giao dịch thương mại gạo trong năm 2023 tại thị trường Hồng Kông, Trung Quốc (thành phố Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu) nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo, quảng bá hình ảnh sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam đến người tiêu dùng quốc tế.
Sản lượng gạo đảm bảo đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu
Trong năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức như giảm nguồn cung do lệnh cấm xuất khẩu gạo từ một số thị trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo trong năm nay. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn. Con số này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Trần Thanh Nam, 2 vấn đề vướng mắc trong chuỗi lúa gạo đã tồn tại thời gian dài là người sản xuất không biết bán ở đâu. Còn doanh nghiệp rất muốn mua lúa, nhưng chưa xác định được thời điểm ký hợp đồng phù hợp, cũng như địa điểm tìm nguồn nguyên liệu, phải thu mua qua khâu trung gian là gia tăng chi phí. Ông cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương, trước mỗi mùa vụ, các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam thống nhất các nội dung triển khai. Sau đó thông báo đến các doanh nghiệp để cùng tham gia, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm.
Thêm vào đó, ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cũng đưa ra ba kiến nghị tại hội nghị lần này như sau:
Thứ nhất, các bộ, ngành cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương quảng bá, thông tin, tuyên truyền về lúa gạo Việt Nam đến với quốc tế. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của gạo Việt Nam với khẩu hiệu: Gạo Việt, Gạo Xanh - Sống Lành.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đây cũng là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thứ ba, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phát huy vai trò chủ lực xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển HTX, liên kết nông dân làm cầu nối, tiếp thị, thu hút sự liên kết của doanh nghiệp trên các vùng nguyên liệu của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cam kết. “Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là Cơ quan quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân xuất khẩu gạo để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo hiệu quả, bền vững.”