Sau Covid-19: Trà sạch buộc phải cạnh tranh với chính mình

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong số đó sản xuất chè - cây trồng chủ lực của tỉnh cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, để khắc phục khó khăn, các cơ sở sản xuất chè cũng tìm nhiều giải pháp, hướng đi mới với mong muốn trong thời gian tới, giao thương sẽ trở lại bình thường.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tại Việt Nam, chè là cây công nghiệp lâu năm được phát triển từ rất sớm. Từ năm 1913, nước ta bắt đầu xây dựng các vùng sản xuất chè tập trung tại Cầu Ðất (Lâm Ðồng), Biển Hồ (Gia Lai), Thanh Ba (Phú Thọ). Hiện nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với diện tích khoảng 123.000 ha, năng suất đạt 94,8 tạ/ha, sản lượng hơn một triệu tấn. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên trồng hơn 22.000 ha, Hà Giang 21.500 ha, Phú Thọ 16.000 ha, Lâm Ðồng 10.800 ha.

Sở NN và PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, đến hết năm 2020 diện tích chè trên địa bàn ước đạt 22.500 ha, năng suất chè búp tươi đạt hơn 119 tạ/ha, sản lượng 239 nghìn tấn. Cây chè của tỉnh đang có quy mô sản xuất ổn định và gia tăng qua các năm. Ðiều đáng nói là chất lượng và giá trị sản phẩm chè không ngừng nâng cao. Theo thống kê, hiện nay thu nhập từ cây chè đạt khoảng 300 đến 500 triệu đồng/ha. Chè của tỉnh đang từng bước khẳng định được vị trí tại thị trường trong nước và triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới. Hơn nữa, sản xuất chè đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, là thu nhập chủ yếu của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19nhiều cơ sở sản xuất, Doanh nghiệp chế biến chè chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất. Cụ thể, tại Công ty cổ phần Chè Phong Hải (Lào Cai), đối với các dòng sản phẩm của công ty đều được khuyến mại, giảm giá từ 15-30%. Bên cạnh đó, công ty cũng cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Sau Covid-19: Trà sạch buộc phải cạnh tranh với chính mình - Ảnh 1

Đơn cử, hiện nay, công ty đang tập trung nâng cấp một số dây truyền băng tải, cân định lượng, sàn thao tác vừa để tiết giảm công sức, chi phí lao động và chè rơi vãi, đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung chế biến chè nội tiêu, chè đóng hộp và chè túi lọc để xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống vùng Trung đông và các nước Châu Âu theo hợp tác kí kết với tỉnh Lào Cai.

Chị Hà Mai Anh, người làm chè lâu năm của xã Phong Hải, thành phố Lào Cai cho biết: Thời điểm này hàng năm, chè của gia đình chị làm ra đến đâu đều được một số cửa hàng ở Hà Nội bao tiêu hết đến đó. Tuy nhiên năm nay, do thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên các cửa hàng này đều phải đóng cửa khiến số lượng chè của gia đình chị bán ra không được nhiều. Bên cạnh đó, các xe liên tỉnh bị hạn chế hoạt động nên việc vận chuyển hàng cũng gặp khó khăn.

Ngoài ra, thời tiết biến đổi bất thường, mưa nhiều khiến nhiều diện tích chè chậm phát triển. Ông Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Hải chia sẻ: "Trong thời điểm này, công ty phải cân đối lượng chè sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị các điều kiện để bảo quản chè tốt để khi dịch bệnh qua đi có thể cung cấp chè ngay ra thị trường".

Hiện đang vào vụ thu hái chè chính trong năm, sản lượng thu hoạch lớn nhất, chiếm 60% tổng sản lượng cả năm. Sản phẩm chè có thể bảo quản, tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn, đặc biệt đối với khối lượng sản phẩm chè thành phẩm đã được đóng gói nhưng chưa bán ra thị trường.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Chúng tôi đã triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các Hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như các hộ dân sản xuất nông nghiệp, trong đó quan tâm đặc biệt tới hỗ trợ tín dụng, giãn nợ và hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay cho sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ nông sản một cách linh động, phù hợp; tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư thâm canh, chế biến chè để nâng cao sản lượng và chất lượng chè.

Trước những khó khăn do dịch bệnh, người dân, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã doanh nghiệp sản xuất chè cần thường xuyên theo dõi những diễn biến thông tin thị trường để có những giải pháp phù hợp, đồng thời vẫn phải chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn, chủ động phòng chống dịch bệnh để không ảnh hưởng đến năng suất, đặc biệt cần có hình thức bảo quản phù hợp để giữ được chất lượng chè. Qua đó chung tay với ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển cây chè theo hướng bền vững./.

Dinh Dinh