Sau thời gian làm ăn thua lỗ, Đạm Hà Bắc (DHB) lần đầu báo lãi kể từ khi niêm yết

Quý 3/2021 báo có lãi cũng đã chấm dứt chuỗi thua lỗ theo quý đằng đẵng của doanh nghiệp này kể từ thời điểm năm 2015 khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất

Sau thời gian làm ăn thua lỗ, Đạm Hà Bắc (DHB) lần đầu báo lãi kể từ khi niêm yết - Ảnh 1

CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) vừa công bố báo cái tài chính quý 3/2021 ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Đây cũng là lần đầu doanh nghiệp này báo lãi kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong quý 3/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt gấp 2,2 lần cùng kỳ lên hơn 1.212 tỷ đồng; trong khi chi phí vốn tăng chậm hơn giúp lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 383 tỷ đồng – trong khi quý 3/2020 lỗ gộp gần 104 tỷ đồng.

Công ty cho biết diễn biến thị trường thuận lợi; giá bán ure, NH3 thế giới và trong nước đều tăng cao so với cùng kỳ. Theo đó, giá bán và doanh thu bán hàng tăng trưởng mạnh.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ, tăng từ 5 tỷ lên đạt 33,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính (phần lớn là chi phí lãi vay) không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 245 tỷ đồng. Quý III vừa qua cũng phát sinh hơn 792 triệu đồng lãi trong công ty liên doanh liên kết; cùng hơn 819 triệu lợi nhuận khác, gấp 3 lần cùng kỳ.

Kết quả, Đạm Hà bắc ghi nhận LNST quý 3 xấp xỉ 118 tỷ đồng trong khi cùng năm 2020 lỗ tới gần 385 tỷ đồng. Quý 3/2021 báo có lãi cũng đã chấm dứt chuỗi thua lỗ theo quý đằng đẵng của doanh nghiệp này kể từ thời điểm năm 2015 khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất. Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Đạm Hà Bắc đạt 3.080 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Do gánh nặng lỗ trong nửa đầu năm, công ty vẫn báo lỗ 9 tháng hơn 297 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm lỗ tới hơn 780 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính đến thời điểm cuối kỳ, quy mô tài sản ở mức 7.971 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Tài sản dài hạn chiếm 90% tổng tài sản, phần lớn là tài sản cố định (5.370 tỷ). Doanh nghiệp có 287 tỷ tiền, tương đương tiền; 166 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn và 740 tỷ phải thu dài hạn khác. Giá trị hàng tồn kho giảm từ 533 tỷ về 351 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 4% xuống 2.439 tỷ đồng, nợ dài hạn cũng giảm 16% về 4.015 tỷ đồng. Tuy nhiên dư nợ vẫn ở mức cao với hơn 6.454 tỷ đồng, bằng 81% quy mô tài sản.