Do phải chuyển sang hình thức học online để phòng dịch COVID-19, nên hầu hết cử tri là sinh viên sẽ đi bầu cử tại địa bàn cư trú. Nhưng vì các lý do khác nhau, hiện nhiều sinh viên chọn ở lại trường đại học và được tạo điều kiện để thực hiện quyền công dân, đi bầu cử ở các điểm đặt tại chính ngôi trường mà mình theo học.
Tại các điểm trường đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, bệnh. Lực lượng chức năng có mặt tại điểm bầu cử tổ chức đo thân nhiệt, sát khuẩn và đề nghị cử tri giữ khoảng cách để phòng, chống dịch Covid-19 khi vào bỏ phiếu.
Tại điểm bầu cử số 11 thuộc khu vực phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 275 cử tri tham gia bầu cử. Tại điểm bầu cử công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện nghiêm túc.
Cử tri Nguyễn Phương Nga (22 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) háo hức chia sẻ khi lần đầu tiên được tham gia bầu cử: "Trong nhiều ngày qua, bản thân tôi đã tìm đọc Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đồng thời mong muốn cử tri cả nước sẽ chọn được những người thực sự có đức, có tài để gánh vác trọng trách, đáp lại sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân".
“Hiện nay sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành, không sử dụng được chuyên môn và kỹ năng đã được học. Một số có năng lực thực sự có xu hướng làm việc cho các công ty tư nhân, nước ngoài thay vì các cơ quan Nhà nước vì môi trường làm việc tốt và mức lương hấp dẫn. Tôi mong các đại biểu được bầu lần này sẽ đưa ra giải pháp có thể khắc phục tình hình trên", sinh viên Nguyễn Phương Nga bày tỏ.
Lần đầu được làm cử tri đi bầu cử, cử tri Trần Phương Nam (23 tuổi, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Trước ngày bầu cử, nhà trường đăng tải Luật, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác bầu cử trên trang thông tin điện tử của trường và phát giấy tờ thông tin đến từng sinh viên. Nhà trường cũng tổ chức phát thanh, tuyên truyền về sự kiện chính trị quan trọng này. Qua đó giúp tôi nhận thấy quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong ngày trọng đại này, từ đó chủ động tham gia bầu cử ĐBQH khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp".
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội),trong hôm nay có gần 900 cử tri tham gia bỏ phiếu. Nhà trường cũng chú trọng thực hiện đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình bầu cử như trang bị máy sát khuẩn tự động; sử dụng máy kiểm tra thân nhiệt và nhận dạng đeo khẩu trang; trang bị máy camera nhiệt hồng ngoại để giám sát sự quá nhiệt ở phạm vi rộng.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội),có khoảng hơn 800 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu. Nhà trường cũng đã bố trí các chốt an toàn y tế trong khuôn viên, trong đó tại sảnh tầng 1 đã khử khuẩn khu vực bầu cử, chuẩn bị máy đo thân nhiệt, sát khuẩn, khẩu trang.
Với hầu hết sinh viên, đây là lần đầu tiên các em được cầm trên tay lá phiếu bầu cử. Vì thế, công tác tuyên truyền, hướng dẫn về việc bầu cử được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Cũng trong sáng sớm ngày 23/5, gần 800 cử tri là sinh viên KTX Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, cầm lá phiếu đi bầu cử.
Cử tri Nguyễn Thị Hương (23 tuổi, sinh viên nội trú tại KTX Đại học Bách khoa Hà Nội), cảm thấy rất tự hào và phấn khởi, thêm chút hồi hộp khi lần đầu tiên đi bầu cử.
Hương chia sẻ: "Tôi hi vọng những người đại diện cho mình là những người có tâm, có tầm có đủ tài và đức để đưa đất nước ngày càng phát triển, lắng nghe và thực hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân".
Được biết, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phụ trách 2 tổ bầu cử và gần 800 cử tri (số liệu khi chưa bùng phát dịch là trên 4.200 cử tri là sinh viên) đang ở trong KTX Bách khoa với 2 tổ bầu cử (số 7, 8).
Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử được Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trường đã hướng dẫn sinh viên thực hiện 5K của Bộ Y tế. Hướng dẫn gửi email nhắc nhở và tin nhắn cho sinh viên KTX về quê thì bầu cử ở địa phương nơi cư trú.
Tạ Thành