PV: Thưa ông, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương Bắc Ninh đã có phương án đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân như thế nào?
Để đáp ứng kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh, Sở Công Thương đã ban hành Phương án điều chỉnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu (bao gồm cả nhu yếu phẩm) phục vụ nhu cầu của nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian phòng, chống dịch. Xây dựng các phương án lưu thông hàng hóa thuận lợi, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các địa phương bị cách ly, giãn cách xã hội trong mọi tình huống; đồng thời hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo tăng cường phát huy vai trò của các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh khai thác nguồn hàng, tăng lượng dự trữ đảm bảo số lượng, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Trên cơ sở kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ tích trữ, nâng giá cao hơn so với giá thị trường.
PV: Trong thời gian này, để góp phần ổn định cung cầu, thị trường hàng hoá, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh có khuyến nghị gì đối với các huyện, thị xã, thành phố đối với việc mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm?
Sở Công thương cũng khuyến cáo, người dân bình tĩnh, không nên ồ ạt đi mua hàng dự trữ để tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đẩy thị trường trở nên khan hiếm hàng hóa cục bộ và gây lãng phí không cần thiết. Mỗi người dân hãy trở thành “người tiêu dùng thông thái” để góp phần ổn định trường, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bắc Ninh phải chủ động mọi phương án ở cấp độ tình huống xấu nhất của dịch bệnh; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hiện tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, găm hàng, nâng giá; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và người dân lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khuyến khích tổ chức bán hàng trên môi trường mạng. Bộ Công Thương cam kết luôn đồng hành cùng Bắc Ninh trong phòng, chống dịch, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song trong 5 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại của tỉnh vẫn được duy trì ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài tăng, một số ngành chủ lực có tỷ trọng lớn và tăng cao.
Đến nay, nguồn cung hàng hóa luôn bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa trên toàn tỉnh. Tỉnh chỉ đạo Sở Công thương bảo đảm các phương án điều tiết hàng hóa theo từng cấp độ, kịch bản diễn biến dịch trong mọi tình huống. Sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định, đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh. Đối với một số vùng bị cách ly y tế, người dân vẫn sản xuất, tiêu thụ tại chỗ, bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm.
PV: Để đảm bảo lưu thông hàng hóa được thuận lợi và an toàn phòng chống dịch, Sở Công Thương Bắc Ninh đã có phương án triển khai như thế nào?
Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến hoạt động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã rà soát, xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa rà soát, điều chỉnh và tiếp tục đẩy mạnh khai thác, dự trữ nguồn nguyên liệu, hàng hóa tăng thêm; đẩy mạnh đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, gia cầm… và mặt hàng phòng, chống dịch bệnh lây lan (khẩu trang, nước sát khuẩn tay…). Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá...
Những ngày này, tại các siêu thị, cửa hàng tạp hoá, chợ, các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú với giá cả ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá.
Trong tình huống phát hiện nhân viên hoặc người đến mua hàng tại các đơn vị phân phối lớn dương tính với Covid-19: Đề nghị UBND tỉnh cho phép cơ sở thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch cần thiết như: đưa người đi điều trị, cách ly, tiêu độc, khử trùng quanh khu vực… có sự kiểm tra, giám sát của UBND cấp huyện và báo cáo kết quả gửi Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh xem xét cho phép cơ sở (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thương nhân phân phối...) đưa người quản lý, nhân viên từ nơi khác vào tiếp quản cơ sở vật chất để tiếp tục duy trì hoạt động, kịp thời cung ứng hàng hóa...
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó (giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất hợp lý..) phù hợp với diễn biến theo từng cấp độ của dịch bệnh; xây dựng phương án điều tiết, bảo đảm nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho Bắc Ninh; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đồng thời cho phép lưu thông hàng hóa đủ điều kiện, cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh… hỗ trợ, giảm chi phí bảo quản, nhất là nông sản sau thu hoạch.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đan Linh