Sớm đưa nguồn nước sạch cho người dân ở thôn Hàm Hòa

Đó là kế hoạch đầu tư công của UBND huyện Quảng Ninh, (Quảng Bình) tiếp nối tiêu chí đã về đích nông thôn mới ở xã Hàm Ninh và cần 2 tỷ đồng để đưa đường ống nước sạch cho 270 hộ dân thoát cảnh nước nhiễm phèn...

Theo số liệu báo cáo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2021 đến nay, huyện Quảng Ninh đã huy động được hơn 393,6 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Trong đó, ngân sách huyện hơn 280 tỷ đồng, ngân sách xã gần 52,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 58 tỷ đồng và gần 3 tỷ đồng từ các nguồn khác...Đến nay, toàn huyện đạt 243 tiêu chí xây dựng NTM, bình quân đạt 17,36 tiêu chí/xã, có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 5 xã đạt 15-18 tiêu chí; 15 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 3 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại xã đặc biệt khó khăn và 5 vườn mẫu NTM được công nhận.

Bao thế hệ gia đình phải uống nước mưa, nước bình

Hàm Ninh là xã đã về đích nông thôn mới, có 5 thôn: Trần Xá, Hà Kiên, Trường Niên, Hàm Hòa và Quyết Tiến, dân số toàn xã 1.781 hộ, 6.719 khẩu.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh có Quyết định công nhận thôn Hàm Hòa đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” ba năm liên tục, giai đoạn 2015- 2017, đến nay đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn. (Ảnh: nguồn UBND xã Hàm Ninh)
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh có Quyết định công nhận thôn Hàm Hòa đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” ba năm liên tục, giai đoạn 2015- 2017, đến nay đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn. (Ảnh: nguồn UBND xã Hàm Ninh)

Cách QL 1A khoảng 1,5km, đến thôn Hàm Hòa mới cảm nhận được cuộc sống con người nơi đây, hầu như họ đã quen cảnh than ngắn, thở dài về nguồn nước giếng bị nhiễm phèn qua hàng thập kỷ...nhiều trai thanh, nữ tú phải khăn gói đi xa để tìm công việc mưu sinh và cũng đi để tránh sử dụng nguồn nước nhiễm phèn nặng, đảm bảo cho sức khỏe, nòi giống. Những người xa quê luôn ấp ủ, gửi ánh mắt về quê hương, mong mỏi cho bà con quê mình thoát cảnh thiếu nước. Họ cũng mong sao được sự đồng thuận nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bà Trần Thị Thoan (73 tuổi) cho biết, phải mua nước bình với giá 15.000 đồng để uống. Nước đây bơm lên từ giếng khoan, với độ nhiễm phèn cao gia đình không dám uống, mặc dù đã qua hệ thống xử lý của gia đình nhưng vẫn không uống, chỉ dùng để giặt áo quần. Ngay cả khi tưới nước lên rau thì bám lại một lớp màng giống như bùn non, làm rau héo khô chết.

Màng bám lên gây úa vàng theo năm tháng...
Màng bám lên gây úa vàng theo năm tháng...

Theo chị N.T.M.Trâm, cấp lãnh đạo ở đây cũng rất quan tâm vấn đề nước sạch cho bà con, nhưng nhiều lần họp hội đồng có ý kiến rồi chờ có nước sạch vẫn rất lâu, phèn ở đây thì nhiễm rất nặng, áo trắng giặt 1 lần là bị úa màu, cái ăn không phải đói lắm nhưng nguồn nước rất quan trọng...người dân ở thôn Hàm Hòa điều dùng bể để chứa nước mưa, lọc qua bộ lọc tự phát để trữ nước sinh hoạt. Nếu dùng nước giếng thì bị nhiễm phèn không tắm được. Cho dù đã qua hệ thống xử lý nhưng vẫn bị ngứa ngáy khó chịu. "Giếng ở đây trung bình được khoan ở dưới độ sâu khoảng 12m", chị Trâm cho biết.

Đa số hộ dân điều mua nước đóng chai tại cơ sở sản xuất Thái Thanh để uống. (Ảnh: Quốc Dũng)
Đa số hộ dân điều mua nước đóng chai tại cơ sở sản xuất Thái Thanh để uống. (Ảnh: Quốc Dũng)
Sớm đưa nguồn nước sạch cho người dân ở thôn Hàm Hòa - Ảnh 1

Có vốn là khởi công

Trước đó, huyện đã đầu tư đường ống nước về 2 xã Hiền Ninh, Hàm Ninh với tổng số vốn hơn 18 tỷ đồng phục vụ gần 20.000 dân. Đây là 2 xã đã về đích nông thôn mới nhưng tiêu chí nước sạch chưa đảm bảo nên được ưu tiên nguồn vốn...

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh khẳng định, hiện nay đang chuẩn bị triển khai và đã có kế hoạch đầu tư công, do 2 năm nay đấu đất không có. Từ đây đến cuối năm, chủ trương rà soát lại công trình cấp bách trong đó có dự án nước sạch; huyện đang chỉ đạo phê duyệt công tác báo cáo kỹ thuật để thực hiện các bước tiếp theo,...có nguồn vốn là khởi công.

Nước sạch đã về đến UBND xã Hàm Ninh. (Ảnh: Quốc Dũng)
Nước sạch đã về đến UBND xã Hàm Ninh. (Ảnh: Quốc Dũng)

"Trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 của huyện, chi cho hệ thống nước sạch là 2 tỷ đồng để chuẩn bị thi công đảm bảo nước sạch cho nông thôn mới tại xã Hàm Ninh, trong đó có thôn Hàm Hòa là 270 hộ. Đến thời điểm này công tác đầu tư của huyện nguồn vốn rất khó khăn. Nguồn thu địa phương chủ yếu là bất động sản, quỹ đất hiện nay đang đứng; cấp xã không có ngân sách đầu tư nước sạch nên phải chờ đầu tư của huyện”. Chủ tịch xã Hàm Ninh Hà Xuân Hưng chia sẻ./.

Bùi Quốc Dũng