Sơn La: Nâng cao giá trị của cây chè trên cao nguyên Mộc Châu

Hơn 60 năm hình thành và phát triển rộng khắp cao nguyên, cây chè dần khẳng định vị thế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực trên cao nguyên Mộc Châu.

Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Là cây trồng lâu đời, trải qua những thăng trầm, nhưng chè Mộc Châu vẫn giữ được vị thế và ngày càng phát triển, góp phần quan trọng đời sống của người dân.

Sơn La: Nâng cao giá trị của cây chè trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 1

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở Mộc Châu, diện tích chè trồng tập trung toàn huyện hiện có gần 2.150 ha, sản lượng đạt trên 25.500 tấn/năm, với nhiều giống chè năng suất, chất lượng cao; toàn huyện có trên 23 cơ sở chế biến chè của các doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh đó, Mộc Châu có quần thể 57 cây chè Shan tuyết cổ thụ từ 100-200 năm tuổi, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào cuối năm 2023. Những cây chè di sản nơi đây có đường kính trung bình từ 25-40cm, cao từ 3-5m, được xác định là nguồn giống cây mẹ để phát triển vùng chè Shan tuyết trong tương lai. Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ đang được Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu quản lý.

Đứng trước những thách thức ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chè ở Mộc Châu không ngừng chú trọng áp dụng các biện pháp an toàn trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu sạch để chế biến ra sản phẩm chè chất lượng cao và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái trên cao nguyên từ các vùng chè.

Trong đó, việc xây dựng vùng chè ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là một xu hướng tất yếu, nhằm từng bước giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bà con nông dân. Với Mộc Châu, chè là một trong những loại cây trồng chủ lực, vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè lại càng có ý nghĩa.

Vinatea Mộc Châu tiền thân là nông trường Quân đội, đơn vị sản xuất chè chủ lực và thành lập sớm nhất tại Sơn La. Vinatea Mộc Châu hiện có trên 550 ha chè nguyên liệu, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 10.000 tấn, sản xuất 2.300 tấn chè thành phẩm.

Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, chia sẻ: Công ty đã cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm cho hơn 1.900 hộ trồng chè. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu, với tổng diện tích hơn 329 ha.

Gia đình ông Vũ Tiến Đương ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu có 1,6 ha chè được nhận khoán với Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu từ năm 1997. Mấy năm trở lại đây, việc trồng, chăm sóc, thu hái chè của gia đình ông đỡ vất vả hơn rất nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. 

Sơn La: Nâng cao giá trị của cây chè trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 2

Theo ông Đương, các khâu từ trồng, chăm sóc, cắt tỉa đến thu hái chè đều dùng bằng máy móc. Khi chè đến thời gian thu hái, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đến tận nơi mua cho người dân nên chi phí sản xuất thấp và lợi nhuận kinh tế mang lại cao hơn.

Đặc biệt, để cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng chè sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại mang lại giá trị cao, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn và người tiêu dùng cũng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Những hộ làm chè đều ký hợp đồng và tham gia chuỗi liên kết sản xuất chè với Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu. Hiện 100% diện tích chè được sử dụng máy làm đất và toàn bộ diện tích vùng trồng chè áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Đồng thời, chè được thu hái bằng máy.

Với việc tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất, Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu có hơn 329 ha chè được UBND tỉnh Sơn La  công nhận là vùng chè ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của địa phương. Đây là cơ hội rất lớn để Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao.

Ngoài vùng chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu đã được tỉnh công nhận, các công ty, đơn vị sản xuất chế biến chè trên cao nguyên Mộc Châu cũng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất chế biến chè. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi hơn 80 ha giống chè Ô long nhập từ Đài Loan của Công ty TNHH chè Mộc Sương được trồng, chăm sóc theo phương thức sản xuất hữu cơ, sử dụng phân bón vi sinh thay cho phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, sản phẩm chè của Công ty đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.

Thực tế đã minh chứng, cây chè góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và xã hội, giúp cho hàng nghìn hộ nông dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trải qua nhiều thay đổi về công tác quản lý, quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết, giao khoán đất gắn với vườn chè, việc phát triển cây chè trên địa bàn đang bộc lộ những bất cập, cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, diện tích chè đặc sản, chè sản xuất theo hướng hữu cơ còn khiêm tốn; thương hiệu chưa đủ mạnh, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè đặc sản còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế...

Ngày 30/12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có Mộc Châu là một trong những vùng được định hướng phát triển cây chè. Đây là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, HTX trồng, chế biến chè đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, để cây chè phát triển bền vững.

Huyện Mộc Châu đã định hướng phát triển cây chè theo từng khu vực, từng xã, từng vùng đất, để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Chỉ đạo khảo sát xác định các vùng trồng chè thành vùng chè đặc sản và xây dựng các vùng chè hữu cơ. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè tiếp tục nghiên cứu, đầu tư dây chuyền chế biến sâu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Trà Mộc Châu được trồng trên cao nguyên 1.050 mét”. Đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan và nhãn hiệu chứng nhận chè Olong Mộc Châu. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến chè tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch. Tiếp tục triển khai quy hoạch, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao thu nhập cho hộ trồng chè và hỗ trợ xây dựng vùng chè gắn với du lịch.

Hương Trà

Từ khóa: