Sóng sánh tỏa hương trên từng giọt rượu…

Vùng đất Bình Định không thiếu những loại rượu mà bất kỳ tửu đồ nào cũng phải mê mẩn. Chắt chiu trên từng hạt gạo, người dân xứ Nẫu đã tạo nên một thứ nước uống sóng sánh tỏa hương trên từng bước đường hạnh ngộ…

Các cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP ở làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá xã Nhơn Lộc
Các cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP ở làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá xã Nhơn Lộc

Ca dao Bình Định có câu: “Rượu ngon Bàu Đá mê ly/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành”. Rượu Bàu Đá ở thị xã An Nhơn là một đặc sản trứ danh của vùng đất võ Bình Định, từ lâu đã xuất hiện trong văn chương vì sự nổi tiếng và vị ngon nguyên sơ của nó.

Theo những hộ nấu rượu ở làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), rượu nấu ngon nhờ 3 yếu tố chính là công thức nấu, men, nguồn nước. Ông Lê Văn Thưởng - người có thâm niên 30 năm nấu rượu khẳng định, điểm đặc biệt tạo nên “thương hiệu” của rượu Bàu Đá là nguồn nước được lấy từ giếng đá ong có từ lâu đời. Nguồn nước ấy chính là mạch nước ngầm sông Kôn thấm vào từng thớ đất, rỉ ra từ phiến đá ong tạo thành.

Ở làng rượu này, không chỉ đàn ông nấu rượu, sành rượu mà phụ nữ cũng vậy. Dù mới 42 tuổi nhưng chị Đặng Thị Kim Cương - chủ cơ sở rượu Bàu Đá Kim Cương đã có 22 năm nấu rượu. Với những người hằng ngày tiếp xúc với rượu như chị thì việc sành rượu là chuyện dễ hiểu. Chị chia sẻ, chỉ cần nghe hương rượu, nhìn rượu “chuyển động” là đủ nhận biết được chất rượu dở, ngon, thật, giả. Chúng tôi nhận ra sự trân trọng của chị với rượu. Bởi lẽ, dường như mỗi giọt rượu làm ra là mỗi giọt mồ hôi lao động tảo tần, người nấu rượu chắt chiu từng giọt, đến ngay việc thử rượu cũng chỉ đơn vị giọt là đủ.

Cách đây vài năm, khi có mối giao tình với anh Dương Văn Hành - Giám đốc Công ty Bidir Hoàng Long (ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), anh đã đưa chúng tôi về cơ sở sản xuất rượu của mình. Từ đó, cứ nửa năm, chúng tôi lại tìm về nơi này.

Hôm ấy, chiều vàng vọt, cuộc rượu bày ra. Ly rượu được rót đầy. Uống một ly thấy lòng dạ lâng lâng, ngan ngát sảng khoái, vị ngọt thanh, ấm dịu, cay cay từ trong cuống họng chạy dần vào huyết quản. Chúng tôi cười nói khề khà ngồi với nhau đến khi ánh trăng đã phả những dạt ánh sáng vào xao động cây lá mới từ biệt nhau.

Rượu nước nóng ở Vĩnh Thạnh
Rượu nước nóng ở Vĩnh Thạnh

Hiện Công ty Bidir Hoàng Long có nhiều sản phẩm rượu truyền thống nhận được phản hồi tốt từ thị trường như: rượu gạo, rượu nếp, rượu đậu xanh, rượu thuốc... Mỗi năm, doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường khoảng 52.000 lít rượu các loại. Nói về định hướng phát triển, anh Hành bảo, thị hiếu của người tiêu dùng liên tục thay đổi, chính vì thế để sản phẩm đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp buộc phải liên tục đổi mới, nâng cấp sản phẩm từ chất lượng đến hình thức, mẫu mã sản phẩm.

Ngược lên thượng nguồn sông Kôn, chúng tôi đến với làng rượu nước nóng Vĩnh Trường (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh). Từng giọt rượu nước nóng nguyên chất thơm ngon, cay nồng là sự kết hợp hài hòa của lúa nước nóng, men rừng của đồng bào Bahnar, cùng nguồn nước nóng được tinh lọc qua lớp than tre hoạt tính và được ủ trong lòng đất nhiều năm. Và, ở đây còn có rượu nhung nai Vĩnh Kim với 3 nguyên liệu chính là nhung nai, mật ong ruồi và rượu nước nóng đã tạo nên hương vị đậm chất núi rừng.

Sóng sánh tỏa hương trên từng giọt rượu… - Ảnh 1

Người dân Vĩnh Trường cho biết, công đoạn trồng lúa, làm men, nấu rượu, ủ rượu là hoàn toàn thủ công. Mỗi năm chỉ nấu rượu vào mùa xuân, lúa được ủ 9 tháng, ủ men 9 ngày, chưng cất, ủ dưới lòng đất ít nhất 2 năm mới xuất bán. Đặc biệt, mỗi năm chỉ sản xuất ra 999 lít rượu nước nóng và cho ra thị trường 999 bình rượu nước nóng 300ml, còn lại ủ cho thế hệ con cháu sau này dùng. Họ bảo, sản phẩm này là kết tinh của sức lao động và trí tuệ của cộng đồng nơi đây. Thông qua sản phẩm này để lan tỏa điều tốt đẹp cũng như nét văn hóa của dân tộc.

Rượu nước nóng Vĩnh Trường chỉ nấu vào mùa xuân.
Rượu nước nóng Vĩnh Trường chỉ nấu vào mùa xuân.

Ở Bình Định còn nhiều nữa những làng rượu nức tiếng gần xa như: rượu Vĩnh Cửu (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), rượu Trung Thứ (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ), rượu đậu xanh Tây Sơn (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn)… Mỗi hộ làm nghề có thể kết hợp nguyên liệu khác nhau nhưng nhất quyết phải đảm bảo chất lượng để tạo ra rượu ngon, an toàn. Với họ, chú trọng vào chất lượng của rượu là cách quảng bá sản phẩm thầm lặng mà hiệu quả nhất.

Rượu gắn liền với đất, với người từ vùng sơn cước phong thủy hữu tình đến những cánh đồng ngan ngát cây lúa đang thì thiếu nữ. Cứ vậy, rượu góp phần vun tạo bàng bạc một vùng văn hóa bản địa.

Đình Phùng - Vân Phi