Sức khỏe con người là một quá trình để hướng tới sự hoàn thiện sâu sắc

Không phải ngẫu nhiên nhân loại lại chọn một ngày trong năm để gọi là ngày sức khỏe thế giới. Sự quan tâm đặc biệt của xã hội với sức khỏe con người phần nào cắt nghĩa nhận thức là một quá trình để hướng tới sự hoàn thiện sâu sắc.

Sức khỏe con người là một quá trình để hướng tới sự hoàn thiện sâu sắc - Ảnh 1

Con người là trung tâm của sự sống. Sống khỏe mới có cuộc sống hạnh phúc. Sức khỏe được nhìn từ góc độ chất lượng cuộc sống hàm chứa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một thân thể khỏe mạnh, tráng cường, dẻo dai, không bệnh tật và trường thọ luôn là mục tiêu hướng tới của xã hội loài người. Vì thế, chăm sóc sức khỏe cho mọi người đang là nỗ lực của hầu hết các quốc gia, cho dù giàu hay nghèo, có thể chế chính trị tốt đẹp vì hạnh phúc của nhân dân. Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng, bác ái, thịnh vượng mới thực sự đạt được mong muốn ấy.

Dân số Việt Nam vừa cán mốc 100 triệu người, bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng. Trong đó, số người đang ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn. Nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng cũng bộc lộ hạn chế về chất lượng như, lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng, ngôn ngữ nước ngoài, nhất là thể lực, thể trạng còn khiêm tốn. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân bằng chính sách, chế độ, hỗ trợ kinh phí… nhưng bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan không ít bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã bộc lộ cần sớm khắc phục.

Sau gần 3 năm đối mặt với dịch covid-19, cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng và đang còn phải đối mặt với nguy cơ, hệ lụy của nó. Biến thể của dịch này cùng một số dịch bệnh cũ tái diễn, bùng phát các loại dịch bệnh mới tác động mạnh đến cuộc sống cộng đồng. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, có nguyên nhân chủ quan từ con người đã “ tự hại mình”.

Đó là những hành vi xả rác, nước thải sinh hoạt, trong đó có đồ nhựa, vật liệu xây dựng ( chất thải rắn); khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên (rừng, nguồn nước, động vật quý hiếm, rừng…) tàn phá hủy hoại môi trường sống thể hiện nhận thức kém và hành động coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ xã hội.

Việt Nam, quốc gia vốn từng là nơi có “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”- gia tài quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cũng đang bị thu hẹp dần, cạn kiệt bởi hành động khai thác vô ý thức, thiển cận, thiếu trách nhiệm trong quy hoạch giám sát, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng và luật pháp chưa đủ sức ngăn ngừa, xử lý chưa thật sự nghiêm minh. Theo đó là biến đổi khí hậu kèm theo dịch bệnh gia tăng, môi trường sống của con người bị đe dọa thường xuyên, nghiêm trọng, diện rộng: mưa, lũ, nắng hạn bất thường, từ “mưa thuận, gió hòa chuyển thành mưa nghịch, gió không hòa”. Cụm từ sống chung với lũ, dịch bệnh thường là câu nói cửa miệng, thể hiện sự chấp nhận có phần bất lực của con người trước những khó khăn phát sinh tác động tiêu cực đến sức khỏe mà con người không kịp xử lý.

Song, con người đã phát minh được những phương tiện tân tiến để lên mặt trăng, vũ trụ, trí tuệ nhân tạo; nhiều quốc gia đang chung sức tìm giải pháp nỗ lực phòng và chữa bệnh; ngăn ngừa, hạn chế tác hại của biến đổi cực đoan của khí hậu, xử lý rác thải… bằng máy móc công nghệ hiện đại; nhất là đặt ra quy định nguyên tắc mang tầm quốc tế, buộc mọi quốc gia phải tuân thủ.

Hàng ngày, thông tin trên các phương tiện truyền thông, trong đó có mạng xã hội phần nào giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa giá trị của câu ví: “sức khỏe là quý nhất”.

Sức khỏe con người là một quá trình để hướng tới sự hoàn thiện sâu sắc - Ảnh 2

Cùng với việc quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực y tế, giáo dục thể chất, các hoạt động y tế trong cả nước từ trung ương đến địa phương chăm sóc sức khỏe cộng đồng thì việc phòng bệnh, ngăn ngừa từ sớm, từ xa các tác nhân gây bệnh cho con nguời cũng đã và đang được chú trọng hơn. Nổi lên là, tự mỗi người biết “tự chăm sóc sức khỏe” của mình, lắng nghe cơ thể mình, chia sẻ kinh nghiệm với người thân, cộng đồng: khẩu trang, khử khuẩn giữ vệ sinh trong cuộc sống sinh hoạt mỗi ngày; ý thức phòng bệnh được nâng cao rõ rệt qua quy hoạch nơi ăn, chốn ở, nhất là các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người, địa bàn hẻo lánh, khó khăn.

Thể dục thể thao theo phương thức truyền thống và hiện đại phù hợp với lứa tuổi, thể chất, điều kiện kinh tế- xã hội đã phát triển mạnh ở cả đô thị và vùng nông thôn mới. Các bộ môn yoga, đi, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, dã ngoại du lịch (phượt) bằng xe máy, xe đạp, đi bộ…gây ấn tượng tốt, sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực trong cộng đồng, trở thành xu thế xã hội văn minh. Bạn trẻ và người cao tuổi ý thức được việc giữ gìn sức khỏe biết kết hợp khoa học giữa rèn luyện thân thể và học tập, lao động sản xuất. Nhờ đó đã hạn chế được một số nguy cơ bệnh tật dễ nảy sinh trong đời sống thời hiện đại.

Sức khỏe con người là một quá trình để hướng tới sự hoàn thiện sâu sắc - Ảnh 3

Nhiều năm qua, ở nước ta, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt, tịch cực nhưng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực từ mặt trái của xã hội hiện đại vào sức khỏe con người.

Biểu hiện là một số bệnh thông thường nguy hiểm đang trẻ hóa: thần kinh, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, gút…Thế kỷ trước, dường như các loại bệnh này chưa phát triển mạnh, nay đang là nguy cơ hiện hữu, tiềm tàng. Bởi nhiều lí do, cuộc sống hiện đại cũng gây nên stress, trầm cảm, tự ty, tăng động, chán chường…và theo đó lối sống tiêu cực nghiện ngập ma túy, cờ bạc, trai gái dùng chất kích thích gây bệnh tật, tàn phá sức khỏe con người.

Đáng chú ý là, số người trẻ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong lối sống tiêu cực ấy. phân chia lứa tuổi- trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người cao tuổi; đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng cần nguồn kinh phí không nhỏ. Muốn hiệu quả phải lấy chăm sóc sức khỏe từ sớm, từ xa, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” phù hợp lứa tuổi. Kết hợp y học hiện đại, lấy tân dược làm trọng, cần quan tâm hơn y học cổ truyền (đông dược và nam dược) chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền dân gian kết hợp chặt chẽ với tây y. Để tránh lệ thuộc vào thuốc, mọi người chủ động rèn luyện thân thể bằng các bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng, lứa tuổi; lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh.

Hơn thế, môi trường sống cần được quan tâm đặc biệt nhằm hạn chế ô nhiễm không khí, nguồn thực phẩm, thức ăn, nước uống hàng ngày. Rèn luyện thân thể cùng đời sống vật chất và tinh thần hài hòa, cân đối sẽ làm nên thân thể khỏe mạnh, thanh thoát.

Đây là những thách thức không nhỏ với xã hội ta khi nguồn lực tài chính còn hạn chế, tham nhũng tiêu cực, lãng phí làm nghèo đất nước đang là căn bệnh nguy hiểm đang phải chữa trị tích cực; ý thức người dân biết chăm sóc bản thân còn nhiều hạn chế, y tế cơ sở còn thiếu và yếu, y tế tuyến cuối luôn quá tải; môi trường sống ở một số đô thị thành phố lớn, thậm chí cả một số điạ phương trong quá trình đô thị hóa bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi quá tải rác thải sinh hoạt không phân loại, nhất là rác thải nhữa, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng phần nhiều do doanh nghiệp gây ra chưa được khắc phục kịp thời.

Việt Nam hiện có 13,7 triệu người cao tuổi, người trẻ đang trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn, nhưng tình trạng già hóa dân số nhanh, dự kiến năm 2050, nước ta sẽ có 28 triệu người cao tuổi trong bối cảnh bệnh tật kép, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm trẻ hóa. Chuyển biến nhận thức và hành động cộng đồng xã hội, mỗi người dân, luôn xem sức khỏe quý hơn vàng là điều kiện kiên quyết, khách quan, giải pháp hữu hiệu để mọi người chung tay xây dựng quốc gia dân cường, nước thịnh. Khỏe để xây dựng đất nước, khỏe để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, khỏe để cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc phải trở thành phương châm hành động thống nhất của mọi người, mọi nhà!

Văn Hùng