Tín hiệu tích cực
Theo EuroCham, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU (Liên minh châu Âu) đạt hơn 22.500 tấn, tương đương 18 triệu USD trong quý đầu năm nay; tăng 4 lần về lượng và giá trị so với cùng kỳ 2021. Ngoài gạo, nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng mạnh như hồ tiêu, tôm, cá tra, cá ngừ… Tuy EU đang có nhu cầu cao nhưng nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng của Việt Nam như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến vẫn chưa đạt đến số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các nước trong khối này.
Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, các giao dịch với doanh nghiệp Nga bị cấm vận trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong các dây chuyền sản xuất ở nhiều ngành công nghiệp. Việt Nam có thể nhân cơ hội này tập trung cải thiện thị phần ở thị trường EU vốn đang có nhu cầu ngày càng cao. Các nước EU cần phải có một nguồn cung cấp ngũ cốc và nông sản thay thế. Do đó, Việt Nam có thể tăng cường vai trò ở thị trường EU để một phần thay thế các mặt hàng từ Nga, đồng thời cần phải tận dụng triệt để hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm vào EU với mức thuế là 0% theo Hiệp định EVFTA.
Tiến sĩ Arjen Roem khuyến cáo, ngoài Việt Nam, Singapore một nước Đông Nam Á khác đã ký kết FTA với EU. EU cũng đang đàm phán FTA với các nước khác trong khu vực như Philippines và Indonesia. Đây là những nước đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa tới EU. Nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội đi đầu trong quan hệ thương mại, thì trong tương lai phải đứng trước nguy cơ cạnh tranh với các nước khu vực Đông Nam Á.
Năm 2021, nhờ thực thi EVFTA Việt Nam xuất sang EU 60.000 tấn gạo, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng nhưng tăng hơn 20% về kim ngạch so năm trước.
Những mặt hàng nông sản hàng đầu nhập khẩu từ Việt Nam là trái cây nhiệt đới, các loại hạt, gia vị tươi và khô trị giá 869 triệu ERU (39%); cà phê chưa rang, trà là 868 triệu EUR (38%); các sản phẩm nông sản còn lại là cà phê, trà, gạo, mỳ, bánh gọt, bánh quy. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang EU năm 2021 đạt 14 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020
Quý 1/2022, Việt Nam xuất hơn 22.500 tấn (18 triệu USD) gạo sang EU, tăng 4 lần về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tới EU tăng từ 20% trong quý I/2021 đến 28% trong quý I/2022.
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, Tiến sĩ Arjen Roem cho rằng, tín hiệu lạc quan là sau hai năm liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam sang EU đã tăng gần 70% trong hai tháng đầu năm 2022, đạt tổng cộng 190 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 đạt 155 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, đặc biệt khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng cao, tình hình logistics bất ổn do tác động của sung đột Nga - Ukraina nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan tăng trưởng tốt với mức 29,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt giá trị 5,042 tỷ USD. Trong đó, thủy sản tăng 56,5%, rau quả tăng 21%, cà phê tăng hơn 300%, hạt tiêu tăng 75,6%, gạo tăng gần 24%.
Rào cản cần vượt qua
Thời gian qua, EU liên tục cập nhập và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu bao gồm thức ăn và các sản phẩm thực vật. Đồng thời, tăng cường áp dụng các tiêu chí mới về chứng nhận liên quan tới bảo vệ môi trường và pháp triển bền vững, có trách nhiệm với xã hội.
Tiến sĩ Arjen Roem cũng lưu ý, một trong những thách thức chính đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. Bởi, nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các siêu thị tại EU. Nhu cầu của EU ngày càng tăng, số lượng rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu đến thị trường này vẫn còn bị giới hạn.
Tiến sĩ Arjen Roem cho rằng, để Việt Nam khôi phục vị thế và uy tín quốc tế của mình đối với xuất khẩu nông sản và thủy sản, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn trong việc cung cấp những chứng nhận rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác.
Các quy tắc về xuất xứ nghiêm ngặt là một thách thức nữa đối với việc xuất khẩu sản phẩm Việt Nam đến EU.
Thực tế là Việt Nam phụ thuộc vào nhiều nguyên liệu và đầu vào từ các nước nằm ngoài EVFTA. Việc này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tối ưu hóa lợi ích miễn thuế. “EVFTA không phải là một cây đũa thần. Bên cạnh việc giảm thuế, những thách thức từ EVFTA không chỉ đến từ chất lượng, số lượng của sản phẩm, mà nó còn đến từ sở thích của người tiêu dùng, những tiêu chuẩn khác như điều kiện lao động, cấm lao động trẻ em, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn nhà máy, và cơ sở sản xuất...
Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị và cải thiện các điều kiện, quy định sản xuất của mình, cải thiện sản phẩm, hợp lý hóa quy trình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng EU, cũng như tăng sức hấp dẫn trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cập nhập thông tin thị trường, bao gồm các ưu đãi thuế quan, vệ sinh và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và phát triển thương hiệu.
Hoàng Anh