Theo đó, mục đích ban hành kế hoạch nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Phát huy các kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Công Thương về tầm quan trọng đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân và sự phát triển của đất nước; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương; đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Trong những ngày gần đây, qua quá trình kiểm tra, rà soát, nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm đã được lực lượng QLTT cả nước phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngày 30/3 vừa qua, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh kiểm tra Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ thực phẩm Sơn Hảo có địa chỉ: 81 đường số 6, hẻm số 3, tổ 14, khu phố 1,thị Trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Tại đây lực lượng chức năng phát hiện 5 tấn gan và tai heo đông lạnh trong kho hàng của Công ty. Tại thời điểm kiểm tra, ông Trương Bảo Sơn - Giám đốc Công ty đã xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô hàng. Tuy nhiên, không xuất trình được Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tương tự, tại Bắc Ninh, ngày 30/3, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh thực phẩm thuộc Công ty TNHH Đông Loan, địa chỉ: Thọ Đức, Tam Đa, Yên Phong do ông Nguyễn Văn Đông làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 7,1 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế đã bốc mùi hôi thối đang được cất giữ tại cơ sở. Ông Đông không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.
Làm rõ các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Đông Loan, qua trưng cầu giám định kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, lực lượng chức năng cho biết, “lô hàng được kiểm tra xuất hiện những vết màu đen, có mùi hôi thối, không đảm bảo lưu thông trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng đặc biệt là dễ lây lan dịch bệnh”.
Ngay sau đó, ngày 10/4 Đội QLTT số 2 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đông Loan số tiền 34 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa thực phẩm lòng lợn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Buộc tiêu hủy 7,1 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế, bốc mùi hôi thối trị giá 28,4 triệu đồng.
Trước những vấn đề đó, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Tăng cường công tác truyền thông theo hướng cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông giáo dục về an toàn thực phẩm, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Công khai thông tin các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, các vụ việc điển hình theo quy định...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương giao Văn phòng Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng, duy trì và phát triển chuyên mục “Khoa học và Công nghệ" trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương cùng sản xuất, đăng tải tin, bài ảnh và video cho chuyên mục.
Công khai trên phương tiện truyền thông các cơ sở sản xuất kinh doanh, các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, các đơn vị có thành tích trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng và đầu mối nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong khâu phân phối; thực hiện việc kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cục Xuất Nhập khẩu nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp xanh kinh tế tuần hoàn gắn với định hướng đáp ứng các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tuyên truyền, cảnh báo đến người tiêu dùng về các Website thương mại điện tử vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Cổng thông tin điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Tiến Hoàng