Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Hà Nội có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhưng phần lớn có quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, tình trạng được mùa, mất giá, dư thừa nông sản vẫn diễn ra, nhất là với rau, củ, quả thu hoạch theo mùa vụ như quả có múi, rau xanh, hoa tươi.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, thời điểm hiện tại, hơn 76% rau quả xuất khẩu của Việt Nam chưa qua chế biến và tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên tới hơn 20%. Theo chuyên viên Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả nhưng nguồn vốn ít (hơn 80% số cơ sở có vốn dưới 2 tỷ đồng) nên chỉ đầu tư cơ sở chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản. Mặt khác, đặc tính mùa vụ của sản phẩm rau, củ quả khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất (thường chỉ đáp ứng được khoảng 60% công suất).
Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; đồng thời giải quyết tình trạng dư thừa nông sản khi vào vụ thu hoạch, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Phùng Thị Thu Hương cho rằng, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân tổ chức lại sản xuất gắn với vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, bảo đảm nguyên liệu cho chế biến. Mặt khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại phục vụ hoạt động sau thu hoạch...
Cũng về vấn đề này, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) Phạm Anh Tuấn cho hay, hơn 95% cơ sở chế biến nông sản ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, nên Nhà nước cần định hướng họ tham gia vào từng khâu, từng vị trí trong chuỗi giá trị ngành hàng hoặc có thể làm vệ tinh hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn. Để nâng cao sản lượng nông sản chế biến trong những năm tới, cần đầu tư công nghệ phù hợp với thực tế.
Xác định đầu tư nâng cao năng lực chế biến nông sản là hướng phát triển tất yếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho biết, Sơn La đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Năm 2021, toàn tỉnh đã chế biến được 65.000 tấn nhãn, giải tỏa áp lực tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác, Sơn La tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết, xây dựng các cơ sở chế biến với công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Còn theo Chủ tịch Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng (tỉnh Lạng Sơn) Nông Ngọc Trung, hiện nay, với công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, công ty có thể sấy được 5-7 tấn nông sản/mẻ. Các sản phẩm như mít, xoài… ở dạng sấy dẻo không chỉ có thể kéo dài thời gian tiêu thụ mà còn giúp đa dạng hóa thị trường. Công ty sẵn sàng phổ biến, chuyển giao công nghệ này cho các vùng trồng cây ăn quả trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Các địa phương cần làm tốt vai trò cầu nối để kết nối chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp chế biến, qua đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Hoàng Anh (t/h)