Tới dự và chia vui với Tạp chí có các đồng chí lãnh đạo: Nhà báo, Nhà thơ Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; Ông Phạm Mạnh Hùng, Ủy viên Đảng đoàn, Ủy viên thường vụ Hội nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường vụ Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Phú Yên; Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin Truyền; Ông Lương Đức Thắng, Ủy viên Ban chấp hành HHQC Việt Nam, Phó cục trưởng Cục văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch; Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam; Ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần DTS Group; Bà Trịnh Hiền -Trưởng ban đối ngoại tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Tham dự buổi gặp mặt còn có hơn 40 Tổng Biên tập, Phó tổng Biên tập các cơ quan thông tấn, báo chí TW và địa phương. Cùng dự, có các Giám đốc truyền thông các đối tác doanh nghiệp và các nghệ sĩ khách mời.
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình tiền thân là tờ thông tin Quảng cáo & Tiếp thị trực thuộc Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (của Bộ Văn hóa – Thông tin). Đến ngày 22/7/1998, Bộ Văn hóa Thông tin cho phép đổi tên và nâng cấp thành Tạp chí Tiếp thị - Quảng cáo Việt Nam để phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, mở cửa kinh tế và tuyên truyền cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị triển lãm trong nước, khu vực và quốc tế.
Năm 2001, trước yêu cầu mở rộng các hoạt động triển lãm hàng hóa tiêu dùng, thúc đẩy cung cầu, tạp chí đã phát hành bộ mới, đồng thời chuyển sang tên gọi Tiếp thị và Gia đình. Cũng từ đây, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình đã nhanh chóng khẳng định vị thế, là ấn phẩm “gối đầu” dành cho các gia đình và chị em phụ nữ với kim chỉ nam xuyên suốt “Vì hạnh phúc của gia đình bạn”.
Năm 2006, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình có quyết định chuyển về Trung tâm Hợp tác báo chí truyền thông Quốc tế (Đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông). Trong giai đoạn này, Tạp chí ngày càng phát triển mạnh mẽ. Số lượng phát hành luôn chiếm lĩnh thị trường. Với sự phát triển mạnh mẽ đó, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình được bạn đọc đánh giá là một trong những tạp chí hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ và được thế giới đánh giá nằm trong top 5 tờ báo/ tạp chí định hướng được khuynh hướng của xã hội.
Bắt nhịp xu thế, hàng loạt đặc san của Tiếp thị và Gia đình được ra mắt bạn đọc như đặc san Tiếp thị Gia đình “Vào Bếp”, Tiếp thị Gia đình Wedding, hay như các đặc san Quý ông, đặc san Thế giới Thanh nữ - Herworld; đặc san phong cách– Harper bazaar; Đặc san Cô gái Thành thị,…
Bên cạnh công tác làm nội dung chất lượng, trong giai đoạn này các hoạt động xã hội cũng được Tạp chí chú trọng, quan tâm. Đặc biệt, từ năm 2005, tạp chí Tiếp thị và Gia đình khởi động quỹ học bổng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó khắp mọi miền đất nước. Đồng thời, Tạp chí thường xuyên tổ chức những chuyến thăm, tặng quà đồng bào vùng cao, vùng xa, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, trao quà cho người nghèo đón tết.
Phát biểu tại chương trình, ông Hoàng Vững, Tổng Biên tập Tạp chí Tiếp thị & Gia đình khẳng định: “Thành công của Tạp chí đến từ việc xác định đúng tôn chỉ, mục đích phát triển. Tôn chỉ của chúng tôi là mang những điều tốt đẹp nhất, tích cực nhất đến cho mọi người. Và nhiều thế hệ người làm báo đã từng công tác tại tạp chí Tiếp thị & Gia Đình hoặc tham gia thực tập nghiệp vụ, cộng tác nay đã trưởng thành, không ít người thành đạt, giữ nhiều cương vị quan trọng trong các tòa soạn, hoặc trở thành những cây bút xuất sắc trong làng báo”.
Năm 2018, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình chuyển sang Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Dù trực thuộc cơ quan nào, Tạp chí vẫn luôn trung thành với tôn chỉ mục đích ban đầu: Thông tin chính xác, tư vấn tiêu dùng, quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu những sản phẩm dịch vụ thiết thực cho cuộc sống, bắt kịp xu hướng thời đại, truyền cảm hứng yêu đời và thúc đẩy sự cống hiến cho xã hội, là bác sỹ tâm lý trong cuốc sống, bảo vệ phụ nữ, đặc biệt trong hôn nhân.
Tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Vững, Tổng Biên tập Tạp chí Tiếp thị & Gia đình xúc động chia sẻ: “Hai mươi lăm năm, một chặng đường có thể chỉ là bước khởi đầu, với đời người là giai đoạn sung sức của tuổi trẻ. Nhưng với Tiếp thị và Gia đình chặng đường ấy thật nhiều những dấu ấn đặc biệt. Những người làm Tạp chí Tiếp thị và Gia đình hôm nay luôn nhận thức sâu sắc rằng: những gì mình đang có được là một di sản, trong đó có cả niềm tự hào, những công lao to lớn thấm đẫm mồ hôi nước mắt mà các thế hệ đi trước đã tâm huyết tạo dựng”.
Ông cũng dành những lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới với Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), Bộ Thông tin và truyền thông, ban thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn quan tâm đặc biệt và theo dõi mỗi bước đi trên hành trình phát triển của Tạp chí Tiếp thị và Gia đình.
Trước thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin đặc biệt là công nghệ số, thị trường báo giấy gặp nhiều khó khăn, Tiếp thị và Gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Song phát huy truyền thống 25 năm qua, Tiếp thị và Gia đình đang dần chuyển mình theo xu thế của kỷ nguyên số, chuẩn bị cho những cuộc bứt phá mạnh mẽ. Đó là từ việc đổi mới đội ngũ nhân sự trẻ, nhiệt huyết, năng động cho đến việc mở rộng quy mô của Tạp chí, đổi mới công nghệ làm báo. Theo đó, ngoài việc duy trì Tạp chí giấy, tòa soạn đang chuyển mình mạnh mẽ để bắt nhịp một cách nhanh nhất với độc giả qua website: Tiepthigiadinh.vn và các hệ sinh thái như Tiktok; Youtube; Facebook…
Hai mươi lăm năm - Một chặng đường không phải quá dài so với tiến trình phát triển của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng đó là 25 năm đầy ắp kỷ niệm của những người làm Tiếp thị và Gia đình. Dẫu con đường phía trước còn nhiều khó khăn thách thức, song nhớ về chặng đường đã qua, chắc những người làm Tạp chí Tiếp thị và Gia đình hôm nay sẽ luôn tự hào về những truyền thống vẻ vang mà thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Đó cũng là niềm tin, động lực, là khát vọng, là ước mơ với nỗ lực không ngừng để đội ngũ cán bộ phóng viên hôm nay cống hiến hết mình vì sự phát triển trường tồn, bền vững của Tiếp thị và Gia đình.
Hà Dung - Sỹ Tùng