Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, Tập đoàn BGI ghi nhận doanh thu đạt hơn 34 tỷ đồng, giảm 39% so với quý cùng kỳ. Giá vốn hàng hóa giảm sâu 40% so với cùng kỳ xuống còn 29 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 2,4 tỷ đồng, giảm 27%.
Đáng chú ý, trong kỳ, công ty ghi nhận khoản thu nhập khác với số tiền lên đến 11,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận âm.
Phía VC7 cho biết khoản lợi nhuận này đến từ hoạt động chia lợi nhuận sau thuế của dự án hợp tác đầu tư “Chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR1, CTR2 và khai thác quỹ đất xen phép thuộc khu A đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn BGI đạt 12,6 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với quý 3/2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của VC7.
Năm 2023, Tập đoàn BGI đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu tăng 28% so với thực hiện năm ngoái, lên 417 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gấp 6,6 lần, đạt trên 85 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lên phương án chia cổ tức ở mức 15% và chuẩn bị chào báo bán 48 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Tập đoàn BGI sẽ tăng lên từ 480 tỷ đồng lên 960 tỷ đồng.
Tính đến cuối ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Tập đoàn BGI đang dừng ở mức 772 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với đầu năm. Tổng số nợ phải trả lên mức 242 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 179 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm hơn 62 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI tiền thân là Công ty Xây dựng Sôphia Bungaria (Vinasofstroi) thuộc Công ty Hợp tác xây dựng nước ngoài (Tổng Công ty Vinaconex) được thành lập theo quyết định số 197/BXD/TCCB của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 8/3/1988.
Ngày 8/3/1988, Công ty Xây dựng Sôphia Bungaria (Vinasofstroi) thuộc Công ty Hợp tác xây dựng nước ngoài (Vinaconex) – tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI ngày nay được thành lập theo quyết định số 197/BXD/TCCB của Bộ trưởng Bộ Xây dựng với chức năng hợp tác lao động, nhận thầu xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp tại Thủ đô Sophia – Bungaria. Đến cuối tháng 4/1991, do tình hình phức tạp tại các nước XHCN Đông Âu, trong đó có Bungaria, Vinasofstroi chuyển về hoạt động trong nước.
Ngày 06/8/1991, Vinasofstroi được đổi tên thành Công ty Xây dựng số 9 (Vinanico) theo quyết định số 414/BXD/TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng với chức năng nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp trong nước và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.
Ngày 05/5/1993, theo tinh thần Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991 và Nghị định số 156/HĐBT ngày 07/5/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, Công ty Xây dựng số 9 được thành lập lại theo Quyết định số 170A/TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Ngày 19/7/1995, do sắp xếp lại tổ chức trong ngành Xây dựng, Công ty Xây dựng số 9 được đổi tên thành Công ty Xây dựng số 9-1 theo quyết định số 703/BXD/TXLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ngày 02/01/1996, Công ty Xây dựng số 9-1 được đổi tên thành Công ty Xây dựng 7 (Vinaconco 7) theo quyết định số 02/BXD/TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ngày 19/12/2001, thực hiện chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra quyết định số 2065/QĐ/BXD về việc chuyển Công ty Xây dựng số 7 – doanh nghiệp NN thành viên Tổng Công ty XNKXD Việt Nam thành Công ty Cổ phần Xây dựng số 7 (Vinaconex 7).
Ngày 28/12/2007, năm triệu cổ phiếu VC7 đã niêm yết và giao dịch thành công trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thực hiện chỉ thị của Chính phủ về thoái vốn Nhà nước tại các Doanh nghiệp, ngày 31/7/2017 Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Vinaconex đã có Quyết định số 0389/2017/QĐ-HĐQT về phê duyệt phương án tái cấu trúc vốn của Công ty cổ phần Xây dựng số 7 (Vinaconex 7). Ngày 04/8/2017 Tổng Công ty CP Vinaconex đã hoàn thành việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Xây dựng số 7, cũng từ thời điểm này Công ty cổ phần Xây dựng số 7đã chính thức tư nhân hóa 100%.
Với mục tiêu hướng đến hình thành Công ty Holding (Công ty Mẹ-Con) hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả – Ban lãnh đạo mới của Công ty đã triển khai tái cấu trúc mô hình Công ty, thay đổi nhận diện thương hiệu và cũng từ định hướng này Công ty cổ phần Xây dựng số 7 được đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn BGI (BGI Group) theo Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐCĐ ngày 19/6/2020 của Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 13/10 cổ phiếu VC7 của Tập đoàn BGI đang giao dịch ở mức 22.600 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa thị trường ước đạt khoảng 1.037 tỷ đồng.
Tiến Hoàng