Tập Đoàn KIDO (KDC) lên phương án phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu ESOP

Đối tượng phát hành gồm thành viên HĐQT, người quản lý, cán bộ công nhân viên toàn tập đoàn theo danh sách được HĐQT phê duyệt. Nếu cán bộ nhân viên nghỉ việc trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu phát hành ESOP sẽ bị thu hồi theo phương án của HĐQT với giá 15.000 đồng/cp.

Tập Đoàn KIDO (KDC) lên phương án phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu ESOP - Ảnh 1

CTCP Tập Đoàn KIDO (Mã: KDC) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. (ESOP).

Cụ thể, giá phát hành là 15.000 đồng/cp, thấp hơn 75% giá chốt phiên chiều 10/11 là 60.000 đồng/cp và thấp hơn 42% so với giá trị sổ sách cuối năm 2021 (25.826 đồng/cp). Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2022

Như vậy, doanh nghiệp sẽ phát hành tối đa 10.064.960 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương 3,9% trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Đối tượng phát hành gồm thành viên HĐQT, người quản lý, cán bộ công nhân viên toàn tập đoàn theo danh sách được HĐQT phê duyệt. Nếu cán bộ nhân viên nghỉ việc trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu phát hành ESOP sẽ bị thu hồi theo phương án của HĐQT với giá 15.000 đồng/cp.

Ngoài việc phát hành cổ phiếu ESOP, HĐQT Kido cũng quyết định tạm hoãn việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và sẽ được báo cáo tại ĐHCĐ gần nhất.

Trước đó, KIDO dự kiến phát hành hơn 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận được 1 cổ phiếu mới).

Trong đó, quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm không được phép chuyển nhượng. Cổ phiếu phát hành thêm bằng hình thức tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.

Về hoạt động kinh doanh tại công ty, trong quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.227 tỷ đồng tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái do Tập đoàn tiếp tục tăng cường các hoạt động bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa trên thị trường. Giá vốn tăng 29%, lên 2.671 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 555,7 tỷ đồng, tăng 13%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính  giảm 28%, xuống 60,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng tới 42%, lên 62,34 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 16% và 5%, lên lần lượt 365,3 tỷ đồng và 104,5 tỷ đồng. Đặc biệt, quý này Tập đoàn có khoản lỗ công ty liên doanh, liên kết 34,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 27,83 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 30 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước. Công ty mẹ mang về 24,32 tỷ đồng, giảm 79%.

Tính đến thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 13.525 tỷ đồng, giảm 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 24,4%, xuống còn 967,8 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 18,8%, về 2.025 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 10,4%, lên 2.818 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối kỳ còn gần 6.516 tỷ đồng, giảm 9%; nợ vay ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 3.265 tỷ đồng và 751,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ còn 1.565,6 tỷ đồng.