Theo đó, dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm cristobalite và đá nhân tạo gốc thạch anh để đáp ứng nhu cầu đá tấm làm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu, với quy mô dự án Công suất dự kiến cho các loại sản phẩm như, cristobalite: 72.000 tấn/năm, đá nhân tạo gốc thạch anh: 1.600.000 m²/năm. Dự kiến đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh và giải quyết hàng trăm lao động tại địa phương.
Địa điểm đầu tư được đề xuất tại lô CN01, CN02, CN03, CN04, CN05 và CN06, Khu C, Khu công nghiệp Phong Điền - Hàn Quốc, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền. Diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 12,72 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,186 nghìn tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến 07/6/2066.
Để dự án triển khai đúng tiến độ và hoạt động hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành và UBND huyện Phong Điền chủ động phối hợp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và triển khai hoạt động sau này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn MIT Vũ Thanh Hiếu cam kết sẽ triển khai dự án đúng theo quy định của pháp luật về đầu tư, để dự án sớm đi vào hoạt động....
Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn MIT Việt Nam được thành lập đi vào hoạt động từ 27/08/2020, có vốn điều lệ khoảng 1.268 tỷ đồng; gồm 6 cổ đông đóng góp, ông Vũ Thanh Hiếu (sinh năm 1963), là người đại điện pháp luật.
Theo Bộ Xây dựng, dự án này phải tuân thủ theo quy định tại Điều 37 của Luật Đầu tư đối với trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng cát trắng silic làm nguyên liệu phục vụ cho dự án phải phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Về chỉ tiêu kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên liệu, điện năng phải phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, dây chuyền thiết bị, công nghệ phải đảm bảo tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đối với sản phẩm chế biến sâu cát silic thành vật liệu cristobalite bằng cách chuyển dạng thù hình của SiO2 từ β - quartz (cát) sang dạng β - cristobalite qua quá trình nung với các tính chất đặc trưng. Vật liệu này được ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như sản xuất pin năng lượng mặt trời, sản xuất sơn phản quang và sản xuất đá nhân tạo. Tương tự, đối với sản phẩm đá ốp lát nhân tạo khi sử dụng sử dụng vật liệu cristobalite thì sản phẩm đá nhân tạo có tỷ trọng thấp hơn so với khi sử dụng cát khoảng 10%. Điều này đem lại ưu điểm trong quá trình thi công, lắp đặt, đặc biệt là khi thi công lát sàn và ốp tường.
Với khả năng tạo màu cho đá nhân tạo với bề mặt không có tạp chất sau khi tinh chế, và cấu trúc thù hình đặc trưng (xốp, rỗng hơn cát silic), vật liệu cristobalite có khả năng xuyên sáng tốt hơn hẳn dạng cát trước tinh chế và loại quartz thạch anh. Nhờ đặc tính này mà chỉ với một lượng bột màu rất nhỏ có thể tạo ra các hiệu ứng hình ảnh sâu trên sản phẩm đá nhân tạo mà các loại vật liệu khác không thể thực hiện được. Với độ tinh khiết và màu trắng vượt trội, vật liệu cristobalite khi sử dụng trong sản xuất đá nhân tạo đã tạo ra các sản phẩm có độ trắng tinh khiết, thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp cho sản phẩm./.
Bùi Quốc Dũng