Tập đoàn Tân Long đang kinh doanh ra sao?

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nông nghiệp nhưng nhiều số liệu cho thấy, Tập đoàn Tân Long đang gặp phải nhiều khó khăn với những khoản kinh doanh không thực sự hiệu quả.

CTCP Tập đoàn Tân Long ( Tân Long Group) do ông Trương Sỹ Bá nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT có tiền thân là Công ty Tân Long Vân, được thành lập từ năm 2000. Tân Long Group là thương hiệu uy tín trên thị trường nông sản, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hoá chất, nông sản và khoáng sản.

Tân Long được chú ý khi liên tục thắng các gói thầu rất lớn. Ví dụ, năm 2007, Tân Long là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất thắng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo Japonica sang thị trường Philippines.

Năm 2018, Tân Long thắng thầu xuất sang Hàn Quốc một gần 130.000 tấn gạo Japonica chất lượng cao, chiếm hơn 60% gạo nhập khẩu tại xứ sở kim chi.

Nguồn: VietTimes
Nguồn: VietTimes

Với việc thắng nhiều gói thầu rất lớn, Tân Long đã đạt mức tài sản tỷ đô. Tại thời điểm cuối năm 2019, chỉ tính riêng công ty mẹ, tổng tái sản Tân Long lên tới 23.834 tỷ đồng (khoảng 1,05 tỷ USD). Tuy nhiên, trong năm 2019, Tập đoàn Tân Long làm nhiều nhà đầu tư thắc mắc khi doanh thu đạt 38.137 tỷ đồng nhưng lại lỗ tới 493 tỷ đồng, nằm trước lãi 29,5 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty mẹ Tân Long lại lần lượt đạt 64,1 tỷ đồng và 51,7 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2019, chỉ tiêu đầu tư tài chính dài hạn tại Tân Long đạt 330 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng, tương đương 73,7% so với cuối năm 2018. Tân Long không trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn.

Hiện nay, Tân Long có cả một hệ sinh thái, Tân Long nắm giữ 67,33% vốn Khoáng sản Thiên Long. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trương Sỹ Bá. Trong giai đoạn 2016-2019, Khoáng sản Thiên Long liên tục báo lỗ với khoản lỗ thuần mỗi năm từ 1 đến 3 tỷ đồng.

Trong khi đó, Khoáng sản Nghệ An ghi nhận hai khoản lỗ 6,3 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng trong năm 2019 và 2018. Tại ngày 31/12/2019, công ty ghi nhận lỗ luỹ kế lên đến 23,7 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, nợ phải trả của Tân Long lên đến 21.815 tỷ đồng, tăng 5.176 tỷ đồng, tương ứng tăng 31,1% so với cuối năm 2018. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 3.061 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn quá cao, cao hơn vốn chủ sở hữu nên áp lực nợ nần tại Tân Long không hề nhỏ. Theo quy định, tỷ lệ nợ/vốn tại một doanh nghiệp chỉ được tối đa là 3%. Nghĩa là nợ chỉ cao tối đa gấp 3 lần vốn. Nhưng tại Tân Long, tỷ lệ này là… 11 lần.

Nợ nần quá lớn nên chi phí lãi vay tại Tân Long nhiều vượt trội so với lợi nhuận sau thuế. Trong năm 2019, công ty mẹ phải chi ra 114 tỷ đồng lãi vay. Con số này năm 2018 là 68,5 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Tân Long tại thời điểm cuối năm 2019 chỉ là 2.019 tỷ đồng, giảm 181 tỷ đồng nghĩa số tiền mà cổ đông góp vào công ty đã “bốc hơi” 181 tỷ đồng dù Tân Long liên tục nhận được các hợp đồng rất lớn.

CTCP Tập đoàn Tân Long là một trong những tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực hóa chất, nông sản, khoáng sản. Tiền thân của doanh nghiệp này là CTCP hóa chất Tân Long, được thành lập vào năm 2000. Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, Tân Long cũng đã phủ sóng trên nhiều tỉnh thành qua việc mở chi nhánh tại Đồng Tháp, Đà Nẵng, TP.HCM và Hải Phòng.

Được biết, trong những năm gần đây, Tân Long có vị thế hàng đầu về cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chiếm 1/4 tổng sản lượng nhập khẩu toàn quốc. Công ty là đối tác của hầu hết các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam như Cargill, CHS, Sojitz, Posco Daewoo, C.P. Group, Masan Group, Green Feed…

Lan Anh