Tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp 

“Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây…” Đó là những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Phát biểu tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tối 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây…

Thủ tướng nhấn mạnh: Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực, đóng góp vào tăng trưởng GDP. 

"Điều chúng ta vui mừng là Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỉ USD năm 2021, trong đó rau quả đóng góp gần 3,6 tỉ USD. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn trái" - Thủ tướng khẳng định.

Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá, ngành nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metan gây ô nhiễm môi trường... 

Cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh
Cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh

Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thảo luận, cho ý kiến về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. 

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. 

Ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt. 

Hoài Anh