Nguồn gốc tết Trung thu
Tết Trung thu ở Việt Nam không biết bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ. Một số nhà khảo cổ học đã cho rằng Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa Trịnh Sâm mà “Tang thương ngẫu lục” của tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã miêu tả.
Trải qua hàng ngàn năm, người Việt Nam luôn cho rằng có mối liên hệ khăng khít giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết gắn liền với niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó, trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất được bao bọc bởi ánh trăng vàng, nhà nhà cùng nhau sum họp uống nước trà, ăn bánh, ngắm trăng, quây quần hạnh phúc cùng nhau.
Ăn bánh trung thu, uống trà ngắm trăng
Ban đầu, uống một ngụm trà chát dịu sẽ làm giảm vị ngọt gắt của bánh, nhưng về sau cái ngọt hậu trong trà sẽ làm kéo dài, giúp vị thơm ngon của bánh quyến rũ hơn. Có lẽ vì thế nên hiếm có thứ thức uống nào thay thế được trà trong nghệ thuật dùng bánh trung thu. Nguồn nguyên liệu tươi ngon, chất lượng từ các vùng chè nổi tiếng của Việt Nam đã tạo nên hương vị của những cốc trà hảo hạng. Thói quen ăn bánh trung thu phải có cốc trà đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt của mỗi người.
Bánh trung thu từ lâu là biểu tượng của sự tròn đầy, viên mãn. Trà là thức uống mang tinh hoa của đất trời. Hai hương vị cùng hòa quyện mang đến trải nghiệm vị giác tinh tế. Bên cạnh đó, ẩm thực Việt Nam khác nước ngoài ở chỗ chúng ta tinh tế xen kẽ nhiều vị vào trong một món. Từ nghệ thuật ăn uống, ta có thể thấy trong ngọt của bánh có vị đắng chát của trà. Trong cái dịu dàng, thanh khiết của trà có sự phức tạp, cầu kì của bánh. Nghệ thuật ẩm thực của ông cha chính là sự đan xen vào nhiều yếu tố. Sự viên mãn mà người ta mong cầu thực ra lại được cấu thành bởi chút ngọt và chát trong đời, giống như vị trà và bánh mà mọi người cùng thưởng thức trong đêm trăng tròn. Trà và bánh của ngày Trung thu đã giao thoa những hương vị rất đời thường như thế.
Đó có thể thể là trà ướp qua hương hoa nhài, hương sen thơm ngát làm tăng thêm hương vị cho những chiếc bánh dẻo tròn trịa. Hay trà oolong thanh khiết cùng trà xanh dịu nhẹ góp phần giúp hương vị ngọt ngào của bánh nướng được đậm vị.
Hương vị của trà và bánh trung thu kết hợp mang đến sự tuyệt vời cho đêm trăng sáng đoàn viên. Trong tiết trời mùa thu mát dịu, sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn là ngồi nhấm nháp những chiếc bánh nướng thơm lừng, thưởng thức một tách trà nóng hổi, thả hồn mình dưới ánh trăng rằm lung linh, lắng nghe giai điệu du dương cùng người thân yêu.
Thanh Trà