Thạch An (Cao Bằng): Nâng cao giá trị cây thạch đen

Xác định thạch đen là cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Thạch An (Cao Bằng) đã triển khai nhiều giải pháp trong quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cây thạch đen nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch đen của huyện.

Nông dân xã Trọng Con, huyện Thạch An chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh cho cây thạch đen - Ảnh: T.L
Nông dân xã Trọng Con, huyện Thạch An chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh cho cây thạch đen - Ảnh: T.L

Thạch An là huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 39 km. Huyện có 5 dân tộc chính là: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh cùng sinh sống. Người dân huyện Thạch An chủ yếu sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp.

Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, UBND huyện Thạch An đã xác định cây Thạch đen phù hợp sinh trưởng và đẩy mạnh hướng phát triển có thể đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây Thạch đen, người dân Thạch An cũng đã mở rộng diện tích trồng nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu.

Theo thống kê Phòng NN&PTNT huyện Thạch An, diện tích trồng Thạch đen năm 2022 của toàn huyện là 496,96ha, trồng chủ yếu ở các xã Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng, sản lượng đạt 2.500 tấn, với giá trung bình khoảng 40.000đ/kg, giá trị kinh tế đem lại cho nhân dân khoảng 80 - 100 tỷ đồng/năm.

Tại xã Đức Thông, mô hình “Trồng cây thạch đen nhằm hỗ trợ tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị” được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 có 08 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi với diện tích 34.000m2.  Kinh phí thực hiện mô hình là 243,8 triệu đồng , trong đó: Ngân sách hỗ trợ là 100 triệu đồng, các hộ đóng góp 143,8 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp thu mua.

Mục tiêu chung của dự án nhằm phát huy lợi thế của địa phương trong sản xuất cây thạch đen, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp hội viên nông dân nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất tạo sản phẩm có tính năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng bước áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Mô hình “Trồng cây Thạch đen nhằm hỗ trợ tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị” tại xã Đức Thông (Thạch An, Cao Bằng)
Mô hình “Trồng cây Thạch đen nhằm hỗ trợ tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị” tại xã Đức Thông (Thạch An, Cao Bằng)

Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch An cho biết: Nhiều năm qua, huyện xác định thạch đen là cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm rất tốt. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng, sản xuất các sản phẩm từ thạch đen.

Thị trường tiêu thụ Thạch đen chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa, nông sản của nhân dân, dẫn đến nhiều loại hàng hóa nhân dân sản xuất ra không tiêu thụ được, nhiều sản phẩm bị rớt giá so với thời điểm chưa có dịch Covid-19. Thị trường trong nước cũng có một số doang nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân thu về để chế biến Thạch đen thành phẩm  đóng hộp xuất cho một số tỉnh miền xuôi, bình quân mùa cao điểm mỗi ngày sản xuất khoảng 3.000 hộp.

Thực hiện Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về xuất khẩu ngành hàng Thạch đen theo chính ngạch tại các cửa khẩu. Ngay từ đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Thạch An đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi mời Cục Bảo về Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp đến huyện để triển khai 25 lớp tập huấn, hướng dẫn cho người sản xuất và chế biến Thạch đen trên địa bàn huyện về yêu cầu mã vùng khi xuất khẩu, đồng thời rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng cho cây Thạch đen của huyện, đến nay cây Thạch đen huyện Thạch An được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp 189 mã vùng trồng, với tổng diện tích trên 600ha, với khoảng 3.000 hộ trồng.

Năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Thạch An đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng tổ chức Lễ công bố văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Thạch đen Thạch An - Cao Bằng” cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, đến nay đã có 09 chủ thể chế biến sản phẩm từ cây Thạch đen được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.

Lãnh đạo Viện KH Sở hữu trí tuệ trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho lãnh đạo huyện Thạch An - Ảnh: T.L
Lãnh đạo Viện KH Sở hữu trí tuệ trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho lãnh đạo huyện Thạch An - Ảnh: T.L

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thạch An, Vũ Đức Thiện cho biết thêm, huyện Thạch An cũng tiếp tục tuyên truyền đến người dân tích cực thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sản xuất thạch an toàn.

Đồng thời, xây dựng quy trình chế biến sản phẩm từ cây Thạch đen để đưa ra thị trường nhằm nâng cao giá trị thạch đen của huyện.

Để có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây thạch đen, huyện mong muốn và kêu gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp hỗ trợ huyện quảng bá cây thạch đen, hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen. Đặc biệt có thể xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm thạch đen trên địa bàn huyện.