Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung – đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.
Nói đến sản xuất nông nghiệp thì sản xuất lúa chiếm vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả hoặc không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn nên hầu hết diện tích lúa các mùa vụ đều giảm. Từ phát triển lúa gạo theo chiều rộng thông qua tăng năng suất, sản lượng chuyển sang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững, mô hình trồng lúa chất lượng cao được nhân rộng. Sản lượng lúa tuy có giảm nhưng tỷ trọng lúa thơm, lúa chất lượng cao tăng lên.
Trong 3 tháng đầu năm nay, các địa phương đang tập trung vào gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân – vụ lúa lớn nhất trong năm. Đến ngày 15/3, cả nước đã gieo cấy được 2.922,3 nghìn ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.042,9 nghìn ha, giảm 0,9%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.879,4 nghìn ha, giảm 1,6%. Gieo trồng lúa đông xuân cơ bản đã hoàn thành ở miền Bắc.
Diện tích gieo cấy giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phi nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi đất lúa sang xây dựng các cụm công nghiệp, làm tuyến đường cao tốc Bắc-Nam ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy được 475,4 nghìn ha, giảm 7,8 nghìn ha; Trung du và miền núi phía Bắc gieo cấy được 220,6 nghìn ha, tăng 1 nghìn ha; vùng Bắc Trung bộ đạt 346,9 nghìn ha, giảm 2,3 nghìn ha. Gieo trồng lúa đông xuân ở miền Nam đạt 98,2% so với vụ đông xuân 2022. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 1.478,7 nghìn ha, giảm 1,9% so với năm trước. Một số tỉnh có diện tích giảm nhiều là: Sóc Trăng giảm 7,7 nghìn ha, Bạc Liêu giảm 5 nghìn ha, Kiên Giang giảm 2,9 nghìn ha…
Hiện nay lúa đông xuân bắt đầu cho thu hoạch. Tính đến 15/3 đã thu hoạch được 792,4 nghìn ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy. Ước tính chung toàn vụ, năng suất đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 10,5 triệu tấn, giảm 145,4 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước do giảm diện tích gieo trồng. Vụ lúa đông xuân 2022-2023 ước tính năng suất tăng và giá bán duy trì ổn định ở mức cao nên người nông dân rất phấn khởi. Mặc dù nước mặn từ biển có xâm nhập cục bộ theo triều cường ở một số nơi, nhưng các ngành chức năng đã thực hiện vận hành cống đập kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt nên nguồn nước được đảm bảo ổn định, chưa có diện tích lúa nào bị thiệt hại do thiếu nước hay bị ngập úng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng cây lâu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước do thời tiết ôn hòa, giá sản phẩm ổn định, việc thu hái và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Đồng thời, nhiều diện tích cây ăn trái được trồng từ những năm trước nay đã đến thời kỳ cho thu hoạch sản phẩm. Nhiều nhà vườn các tỉnh phía Nam đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ những vườn cây lâu năm kém hiệu quả như tiêu, thanh long, dứa chuyển sang trồng sầu riêng, mít. Ước tính quý 1 năm 2023, cả nước thu được 108,3 nghìn tấn sầu riêng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước; 142,9 nghìn tấn mít, tăng 20,7%. Dự báo trong thời gian tới, sản lượng sầu riêng và mít sẽ tiếp tục tăng nhanh do nhiều diện tích trồng mới những năm trước đây đã bước vào thời kỳ cho sản phẩm ổn định.
Mặc dù, sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm đạt khá nhưng việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản quý I ước đạt 6,07 tỷ USD, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chỉ có 3 mặt hàng có khối lượng và giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,8 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19,3% về sản lượng và tăng 30,2% về giá trị; điều đạt 122 nghìn tấn tương đương 708 triệu USD, tăng 16,6% và tăng 14,2%; rau quả đạt 935 triệu USD, tăng 10,6%.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cà phê giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; hạt tiêu giảm 3,8%; chè giảm 5,3%; sắn và sản phẩm của sắn giảm 5,5%; cao su giảm 22,9%. Nguyên nhân xuất khẩu nông sản giảm do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu; nhiều nước tái xuất khẩu nông sản sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; thêm vào đó nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới trong năm 2023.
Phát triển nông nghiệp dưới góc độ của sản xuất vẫn đạt khá nhưng ở khâu tiêu thụ gặp khó khăn vì xuất khẩu mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước. Thách thức đặt ra cho phát triển nông nghiệp hiện nay là duy trì được sức sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua tăng giá trị, khối lượng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, khẳng định được thương hiệu “Nông sản Việt” trên thị trường nông sản thế giới.