Để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho chè Văn Hán sớm được bảo hộ, ông Nguyễn Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chung tay xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Văn Hán, chúng tôi mong các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người làm chè của địa phương xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, hữu cơ và thiết lập mã số vùng trồng trên cây chè...
Được thiên nhiên ưu ái cho xã Văn Hán chất đất và khí hậu phù hợp để cây chè phát triển. Cùng với đó, đôi bàn tay khéo léo và phương pháp chế biến truyền thống của người dân nơi đây đã tạo nên những sản phẩm chè có hương thơm, vị đậm đặc trưng, được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Bởi vậy, chè đã trở thành cây trồng chủ lực đem lại việc làm, nguồn thu nhập chính cho 70% hộ dân trong xã (khoảng 2.000/2.860 hộ làm nghề chè).
Cho đến nay, Văn Hán có 1.000ha chè (trong đó 175ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ), năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 12.000 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 300 triệu đồng/ha. Xã có 14 xóm với 17 làng nghề chè, làng nghề chè truyền thống được công nhận; 7 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chè.
Những năm qua, người làm chè ở Văn Hán đã quan tâm phát triển sản phẩm đa dạng, an toàn, nâng cao chất lượng kết hợp với việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, qua đó đã xây dựng thành công 8 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP (2 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao).
Từ năm 2023, UBND huyện Đồng Hỷ đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND xã Văn Hán và đơn vị liên quan tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè Văn Hán”; giao cho Hội Nông dân xã là chủ đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, đồng thời là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể sau khi được cấp Giấy chứng nhận.
Điều này giúp đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu “Chè Văn Hán” cho các tổ chức, cá nhân; ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu, đảm bảo sản phẩm mang nhãn hiệu đáp ứng các quy định về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng. Đồng thời gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương...
Ông Nguyễn Đức Sen - Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Hán, cho biết: Chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến tới các hội viên nông dân về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, hoàn thiện các thủ tục theo quy định như: Lựa chọn mẫu nhãn hiệu tập thể “Chè Văn Hán”, lập bản đồ khu vực địa lý vùng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể và lập danh sách 85 cá nhân, tập thể đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể...
Hợp tác xã chè Văn Hán (xóm Ba Quà) là một trong những số những tập thể đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Văn Hán. Đây cũng là đơn vị đã xây dựng thành công sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Theo chị Dương Thị Chang, Giám đốc Hợp tác xã chè Văn Hán: Để được cấp nhãn hiệu tập thể là quá trình dài khó khăn, cần sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân, tập thể. Với HTX chè Văn Hán, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì 20ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với các hộ sản xuất 6ha chè hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu. Tiếp tục đầu tư khoa học - kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ chế biến; tăng cường thực thi các cam kết và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm...
SƠN THỦY