Thái Nguyên: Phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè

Thái Nguyên được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” với những vùng chè đặc sản nổi tiếng, nơi đây ngày càng phát triển và đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, gắn phát triển cây chè với du lịch sinh thái, thu hút đông đảo khách du lịch tham quan. 

Giàu tiềm năng phát triển hoạt động du lịch sinh thái 

Thái Nguyên: Phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè  - Ảnh 1

Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 75km, và là tỉnh nằm vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, chính trị – xã hội của khu vực Đông Bắc hay cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, thấp dần từ Bắc xuống Nam, phù hợp với hướng chảy của sông Cầu. Nhìn chung địa hình Thái Nguyên không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm do vậy mà rất thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.

Điều kiện tự nhiên thích hợp đã giúp Thái Nguyên trở thành vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 22,5 nghìn ha chè, trong đó có nhiều vùng sản xuất chè tập trung như vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Đại Từ, Phú Lương… ngoài đem lại giá trị kinh tế to lớn, cây chè còn có tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.

Chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên đặc biệt là các khu vực trồng chè quy mô lớn đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Đây là một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng, tận dụng lợi thế tự nhiên có sẵn cùng cảnh quan thiên ban tặng. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân tộc bản địa, đặc biệt gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động du lịch bền vững theo cách thức đó đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành, khai thác, thu hút du khách tham quan. Hiện nay, rất nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất trà trên địa bàn Thái Nguyên đã vận hành mô hình du lịch cộng đồng, được phát triển ở nhiều địa phương như xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công), xã Minh Lập, Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ)… 

Với lợi thế tự nhiên, toàn tỉnh đang có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh chè kết hợp hoạt động du lịch đón khách tạo ra điểm du lịch trải nghiệm văn hóa trà đặc sắc. 

Hợp tác xã chè Hảo Đạt – Tân Cương 

Thái Nguyên: Phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè  - Ảnh 2

HTX chè Hảo Đạt được thành lập từ tháng 12 năm 2016, nắm bắt xu hướng mới, đến năm 2019 HTX đã đưa vào khai thác Không gian văn hóa trà. Đơn vị này tận dụng những lợi thế có sẵn để xây dựng những chương trình phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau

Đến nay, Không gian văn hóa trà của HTX Chè Hảo Đạt đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm và thưởng thức những phẩm trà nổi tiếng của vùng đất Tân Cương. Không gian thưởng trà khá rộng lớn, nằm biệt lập với khu vực sản xuất. Du khách sẽ có cơ hội “mục sở thị” ngôi nhà gỗ 5 gian, có lối kiến trúc bắt mắt, các bàn thưởng trà gỗ được sắp xếp ấn tượng cùng các công cụ sản xuất chè truyền thống. Ngoài ra, quý khách còn được tham quan hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, chế biến chè đặc sản khép kín, đã tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất của HTX. Thú vị nhất là được tự tay thu hái những búp chè, được hướng dẫn quy trình chế biến chè bằng phương pháp truyền thống.

HTX Chè và Du lịch Cộng đồng Tiến Yên 

Thái Nguyên: Phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè  - Ảnh 3

Hơn 50 năm truyền thống nghề làm trà, từ một hộ gia đình sản xuất chè tiêu biểu, HTX chè Tiến Yên đã góp phần tạo ra những giá trị riêng biệt cho các phẩm trà Tân Cương nổi tiếng. 

Cơ sở sản xuất Chè Tiến Yên đã áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại kết hợp với phương pháp thủ công truyền thống, sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, để nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế mà vẫn giữ được hương vị đặc sắc của Trà Tân Cương. Các dòng sản phẩm trà cao cấp được đông đảo người yêu trà trên cả nước ưa chuộng như phẩm Trà Móc Câu, trà Tôm Nõn, đặc biệt Trà Đinh đã khẳng định chất lượng và thương hiệu chè Tiến Yên trên thị trường hiện nay.

Nắm bắt xu thế hiện nay của du khách muốn đến tham quan trải nghiệm các vùng chè, HTX chè Tiến Yên tận dụng những lợi thế sẵn có của đồi chè ngay cạnh nơi sản xuất, đã xây dựng và đưa vào khai thác không gian văn hóa, du lịch trải nghiệm vùng trà.

Với tổng diện tích trên 2ha chè, trong đó có khoảng 1ha là giống chè trung du cổ trải dài trên những quả đồi bát úp tạo nên quang cảnh đẹp mắt. Bên cạnh đó, hệ thống đường bê tông lên đồi chè gần 1000m giúp các du khách tham quan chụp ảnh check in ngay tại đồi chè. Ngoài ra có khu vực hồ nước cùng thiết kế cầu ấn tượng, chòi quanh hồ để du khách ngồi thưởng trà, ngắm cảnh và câu cá…Đặc biệt các du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm làm chè như những người nông dân thực thụ. Trong thời gian gần đây, cơ sở cũng đã đón hàng chục đoàn khách, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Đây thực sự là những tín hiệu hết sức lạc quan cho du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương nói riêng và du lịch Thái Nguyên nói chung sau đại dịch.

Thư Trà