Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường giúp cho sản phẩm trà của tỉnh đầy đủ tiêu chí để tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngoài kênh thương mại truyền thống, mới đây kênh thương mại điện tử cũng đang được quan tâm hướng tới. Kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022 đã được tỉnh triển khai.
Theo ông Nguyễn Công Dũng - Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Để giúp khai thác tối đa các giá trị của sản phẩm chè, bên cạnh việc quảng bá thương mại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử gắn với phát triển du lịch vùng nông thôn, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ người làm chè tập trung vào khâu chế biến, chế biến sâu để có sản phẩm phong phú hơn như matcha, tinh bột trà, mở rộng đối tượng phục vụ và xuất khẩu. Tính dược liệu, mỹ phẩm của cây chè trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, kết hợp với ngành khác để có sản phẩm chăn nuôi, làm thức ăn tăng giá trị chăn nuôi cũng sẽ được khai thác nhiều hơn.
Ngoài ra, tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc cấp mã QR cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thiện tiêu chí để sản phẩm có mặt tại các kênh phân phối hiện đại. Đến nay đã có 55 doanh nghiệp được hỗ trợ mã QR, trong đó có 52 doanh nghiệp chè. Các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số được triển khai rộng khắp. Việc liên kết sàn thương mại điện tử của tỉnh tích hợp trong ứng dụng C-ThaiNguyen nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đặc sản vùng miền và đặc biệt là sản phẩm trà được nhiều người quan tâm.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến chè, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến; chú trọng liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu thúc đẩy ngành chè hữu cơ phát triển, ngành Công Thương Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, đẩy mạnh giao thương hàng hóa, giúp nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Với vai trò cầu nối doanh nghiệp, Sở Công Thương đã đồng hành, giúp đỡ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chè phát triển mạng lưới kinh doanh, mở rộng thị trường thông qua lồng ghép, phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống và xúc tiến thương mại qua ứng dụng các nền tảng số.
Các cơ quan, đơn vị khác như Liên minh Hợp tác xã đã hỗ trợ người nông dân, HTX đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trà lên sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho bà con bằng nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng kỹ thuật số, kể cả mạng xã hội. Liên minh HTX đã xây dựng trang fanpage riêng trên mạng xã hội zalo, facebook để quảng bá cho nông sản Thái Nguyên, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Theo đánh giá sơ bộ kết quả sản xuất kinh doanh của 19 đơn vị có sản phẩm chè đạt OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng các đơn vị vẫn đạt doanh thu khoảng 130 tỷ đồng, trong đó bán hàng qua phương thức trực tuyến (sàn thương mại điện tử, facebook, zalo …) chiếm khoảng 30% doanh thu và 70% bán hàng qua phương thức truyền thống (cửa hàng, siêu thị, chợ …). Như vậy có thể thấy, thương mại điện tử đang dần chiếm lĩnh vị trí trong cán cân thương mại ngay cả đối với các mặt hàng nông sản xưa nay vẫn chủ yếu sử dụng phương thức bán hàng truyền thống.
Ông Hoàng Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi số sẽ hiện thưc hoá trong nhiều ngành, lĩnh vưc nói chung và trong câu truyện chè hữu cơ của Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên nói riêng. Để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quảng bá thương hiệu trà thái nguyên, xúc tiến thương mại điên tử, số hoá dữ liệu nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và thương mại đóng góp quan trong cho sự tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, ông Tuấn đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số vào quá trình trồng, chăm sóc, chế biến chè như: ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng cường minh bạch trong truy xuất nguồn gốc....Việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn như xã Phú Đô phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và hướng tới quốc tế góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Qua nghiên cứu của Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xu hướng tiêu dùng của người châu Á sẽ là tiêu dùng số, ứng dụng số. Do đó doanh nghiệp muốn tận dụng các trang thương mại điện tử nên nghiên cứu nhiều nền tảng để tiếp cận khách hàng.
Tuy nhiên, chất lượng và tính bền vững của sản phẩm sẽ quyết định sự quay lại của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó hay không. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành trong quảng bá, xúc tiến thương mại, các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành chè cần chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm để người tiêu dùng gắn bó lâu dài với các sản phẩm mà mình làm ra.
Sơn Thủy