Thái Nguyên: Tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Tại đầu cầu Hà Nội, dự và chỉ đạo có ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, tham dự còn có lãnh đạo Văn phòng Bộ; lãnh đạo các Tổng cục: Thủy sản; Lâm nghiệp; các Cục: Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản; Bảo vệ thực vật; Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Thú y, Trồng trọt , Chăn nuôi; đại diện các Hiệp hội ngành hàng chủ lực, doanh nghiệp.

Về điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, dự Hội nghị có ông  Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng dự có các Đ/c lãnh đạo các Chi cục: Trồng trọt và BVTV; Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; Kiểm lâm; lãnh đạo Hội chè; Hội Chăn nuôi.

Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái nguyên
Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái nguyên

Hội nghị nhằm tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp trong tình hình điều kiện dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp và đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành, việc lưu thông, luân chuyển hàng gặp nhiều khó khăn. Phát biểu khai mạc hội nghị đ/c Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hội nghị cần tập trung báo cáo, đưa ra các phương án, cách thức cụ thể nhằm tìm được nhiều ý kiến hơn nữa trong việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là những địa phương đang có dịch, không còn những cuộc “giải cứu” nông sản như hiện nay.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp xử lý các vướng mắc kỹ thuật về quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… đưa ra các hướng khác nhau trong việc giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp trong điều kiện Covid-19.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cũng đã có các giải pháp thực hiện tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như: Đẩy mạnh các hình thức chế biến, bảo quản nông sản kết hợp hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất tiêu thụ; các hoạt động giao dịch, tiêu thụ sản phẩm nông sản như tại siêu thị, bán hàng trực tuyến... và các hoạt động hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ dịch vụ nhận hàng hóa, bán sản phẩm và lưu thông sản phẩm với chi phí thấp.

Hỗ trợ mở rộng khả năng tích trữ, bình ổn thị trường vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho sản xuất như hỗ trợ lãi suất, giãn, hoãn nợ, mở rộng quy mô vay vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các trường hợp cần phải tích trữ, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch./.

Phi Long