Thái Nguyên: Huyện Đồng Hỷ phát triển nâng cao giá trị sản phẩm chè vươn xa

Là một trong những vùng chè lớn của tỉnh, huyện Đồng Hỷ có diện tích gần 4.000 ha với một số thương hiệu chè đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện đời sống người dân.

Vùng nguyên liệu sản xuất chè chất lượng cao tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ - Ảnh: Sơn Thủy
Vùng nguyên liệu sản xuất chè chất lượng cao tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ - Ảnh: Sơn Thủy

Được biết, chè trở thành cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân huyện Đồng Hỷ. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2021, diện tích chè trên địa bàn huyện đạt gần 4.000 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh trên 3.200 ha, năng suất chằng năm đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau TP. Thái Nguyên), với sản lượng búp tươi đạt trên 42.000 tấn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chè tập trung có khối lượng hàng hóa lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các xã như: Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu… Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha bình quân khoảng 100 - 200 triệu đồng; tại các vùng chè đặc sản có thể đạt từ 300 triệu đồng/ha trở lên. Các sản phẩm chè Đồng Hỷ đã được khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước, có triển vọng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chè tập trung có khối lượng hàng hóa lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: Sơn Thủy
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chè tập trung có khối lượng hàng hóa lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: Sơn Thủy

Để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững cây chè, huyện Đồng Hỷ đã ban hành kế hoạch phát triển chè và các sản phẩm trà trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cây chè sẽ được tập trung phát triển tại các vùng trọng điểm sản xuất như: Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu. Trong đó, 65% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè đạt 4.100 ha, trong đó trên 80% diện tích sản xuất tập trung được áp dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ; 70% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng

Huyện Đồng Hỷ là một trong những vùng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên, đến nay một số thương hiệu chè đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường - Ảnh: Sơn Thủy
Huyện Đồng Hỷ là một trong những vùng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên, đến nay một số thương hiệu chè đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường - Ảnh: Sơn Thủy

Cho đến nay, Đồng Hỷ có gần 300 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP và 1.300 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Theo định hướng của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, các hộ trồng chè ở tổ dân phố 2, thị trấn Sông Cầu đang dần chuyển đổi những giống chè cũ có năng suất thấp sang trồng giống NDT1 theo quy trình VietGAP, hướng dần tới tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Tổ trưởng tổ dân phố 2, chia sẻ: Người trồng chè Sông Cầu giờ đã thay đổi tư duy, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Nguyên nhân là bởi, nếu cứ trồng chè thâm canh rồi bán cho thương lái như trước thì trừ chi phí, người dân chỉ đủ tiền công nhật như lao động bình thường. Còn với trồng chè chất lượng cao, riêng việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa hiện giờ cung không đủ cầu.

Cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm chè xanh truyền thống, huyện Đồng Hỷ cũng tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khâu chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm chè và sản phẩm có nguồn gốc từ chè như các loại đồ uống, bánh, kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Đồng thời, gắn phát triển các vùng chè truyền thống với văn hóa, du lịch trải nghiệm, thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho phát triển bền vững cây chè.

Ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Với những lợi thế về vùng nguyên liệu, cũng như những chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, Tập đoàn Vgreen đã lựa chọn Đồng Hỷ để xây dựng nhà máy sản xuất trà Kombucha với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Đây là tin vui với người trồng chè địa phương, bởi việc xây dựng nhà máy của VGreen sẽ góp phần lan toả thương hiệu, gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên nói chung, chè Đồng Hỷ nói riêng trên thị trường nội địa và xúc tiến thương mại quốc tế.

Hiện nay, chính quyền huyện Đồng Hỷ đang tiến hành rà soát lại quy hoạch, không quy hoạch các dự án khác vào các khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè của địa phương, trừ dự án trọng điểm của tỉnh và dự án quan trọng cấp quốc gia. Đồng Hỷ kiến quyết không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Về định hướng phát triển công nghệ chế biến chè, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm có nguồn gốc từ chè nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng từ chè, như: Chè móc câu, chè đinh, chè tôm nõn; chế biến trà túi lọc, trà ướp hoa sen, nhài, mộc; matcha; chế biến thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc từ chè; sản xuất bánh kẹo, các sản phẩm mỹ phẩm có hương liệu từ chè...

Sơn Thủy