Tháng 7 hành hương về Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là một trong những công trình tưởng niệm có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và đạo lý tri ân sâu sắc của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là nơi an nghỉ của hàng chục nghìn liệt sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà còn là địa chỉ đỏ trong hành trình giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Mỗi dịp tháng 7 – mùa tri ân các anh hùng liệt sĩ, Nghĩa trang Trường Sơn lại đón tiếp hàng vạn lượt đồng bào, cựu chiến binh, đoàn thể, học sinh, sinh viên từ mọi miền đất nước về thắp nén hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cổng chính dẫn vào khu tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi ghi dấu những hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc
Cổng chính dẫn vào khu tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi ghi dấu những hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc

Qua cầu Hiền Lương, Vĩ tuyến 17, dòng sông Thạch Hãn, rồi Cồn Tiên, Dốc Miếu… mỗi địa danh đều gợi nên những tầng cảm xúc lắng sâu. Tôi gọi điện cho cựu chiến binh – nhà thơ Lê Bá Dương, người con Xứ Nghệ hiện sinh sống tại thành phố Nha Trang, tác giả của những câu thơ đã đi vào tâm thức nhiều thế hệ:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.”

Ông kể, mỗi tháng vẫn trở về bên dòng Thạch Hãn để thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội. Đặc biệt vào tháng Bảy – tháng tri ân, dù bận rộn đến đâu, ông vẫn cố gắng có mặt. Mỗi lần trở về, ông đều lặng lẽ quỳ bên bờ sông, gửi lời thăm đến những người nằm lại.

Đứng trên cầu Hiền Lương nhìn về phía bên kia, cánh đồng rộng lớn trải dài trong ánh nắng gần 40 độ không một bóng cây. Khó có thể hình dung nơi ấy từng là chiến địa khốc liệt. Tôi nghĩ về những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm xưa – những bước chân vượt sông, băng đồng, bất chấp hiểm nguy, mang trong mình lý tưởng và tinh thần kiên cường vì độc lập, thống nhất đất nước.

 Tháng 7 hành hương về Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 1
 Tháng 7 hành hương về Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 2

Trong dòng người hành hương về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tôi gặp chị Nguyễn Thị Vân – một người dân Thủ đô Hà Nội. Chị chia sẻ rằng, dù không có thân nhân yên nghỉ tại đây, nhưng năm nào cũng tổ chức đoàn vào Quảng Trị để tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Mỗi lần đứng trước không gian rộng lớn của nghĩa trang, với hàng vạn phần mộ, chị không khỏi xúc động. “Tôi luôn hình dung họ là những thanh niên mới mười tám, đôi mươi. Có những lúc cố kìm nén, nhưng nước mắt vẫn rơi vì lòng cảm phục và biết ơn,” chị nghẹn ngào nói.

Nằm trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh (cũ), tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn mười nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh và chiến trường Đường 9 – Nam Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Công trình được khởi công xây dựng ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977, với quy mô 140.000 m², bao gồm: khu tượng đài trung tâm rộng 7.000 m², khu trồng cây xanh 60.000 m², khu hồ cảnh 35.000 m² và hệ thống đường nội bộ được quy hoạch đồng bộ, tạo nên không gian tưởng niệm trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Trong dịp tháng Bảy – Tháng Tri ân các anh hùng liệt sĩ, Nghĩa trang Trường Sơn đón hàng vạn lượt người đến dâng hương tưởng niệm. Không chỉ có thân nhân liệt sĩ, mà còn có nhiều đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân từ khắp mọi miền đất nước về bày tỏ lòng thành kính.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là biểu tượng sâu sắc của tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường vì độc lập, tự do và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là điểm đến tâm linh tiêu biểu, nơi hội tụ tình cảm thiêng liêng của người dân cả nước đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc – thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

 Tháng 7 hành hương về Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 3
Nơi an nghỉ của những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi – những người đã gửi trọn tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc
Nơi an nghỉ của những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi – những người đã gửi trọn tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc

Mỗi lần trở về với mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đặt chân đến những địa danh lịch sử như Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Lao Bảo... chúng tôi đều không khỏi xúc động. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về một thời khói lửa vẫn còn in đậm trong từng bước chân, từng dòng sông, mỗi tấc đất nơi đây.

Những ngày này, tỉnh Quảng Trị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 57 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9/7/1968 – 9/7/2025). Sự kiện không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, mà còn là dịp để khẳng định những thành quả đổi mới và phát triển của vùng đất biên cương một thời khốc liệt.

Ngày 9/7/1968, chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh kết thúc thắng lợi, đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên tại chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng này có ý nghĩa chiến lược to lớn, góp phần tác động đến việc chính quyền Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris, mở ra bước ngoặt trong quá trình chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và tiến tới thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn trân trọng quá khứ, đồng thời nỗ lực không ngừng trong công cuộc xây dựng và phát triển. Tỉnh xác định rõ quyết tâm “Sớm đưa Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu”, góp phần nâng cao chất lượng sống cho đồng bào vùng cao, thúc đẩy kinh tế – xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc.

Những địa danh từng là biểu tượng của gian khổ và kiên cường – như Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Vây – ngày nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Đường 9 – con đường từng in dấu chân người lính – giờ đây là trục phát triển kinh tế, kết nối giao thương và lan tỏa tinh thần hội nhập. Những vùng đất từng chịu nhiều đau thương đã và đang trở thành các đô thị, khu kinh tế động lực và điểm đến tiêu biểu của du lịch hòa bình.

Lịch sử được khắc ghi không chỉ bằng chiến công, mà còn bằng sự hồi sinh mạnh mẽ trên chính mảnh đất từng nhuốm màu khói lửa. Đó là minh chứng cho sức sống, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của con người Quảng Trị trong hành trình dựng xây tương lai.

Nguyệt Hằng - Cát Tường