Bình minh giữa mùa hè, những tia nắng đầu tiên của ngày mới bắt đầu len lỏi với thời tiết oi bức. Trên những cánh đồng muối tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát (Bình Định) diêm dân đã tất bật chuẩn bị cào, trang, nện và ống nước để bắt đầu “dốc sức” làm muối.
Sở dĩ họ ra đồng sớm là để đổ nước biển đã được lọc từ hôm trước lên các ô phơi cho kịp nắng lên. Nghe tưởng đơn giản nhưng làm việc này phải có kinh nghiệm mới có được những mẻ muối khô, trắng tinh. Nếu đổ quá nhiều, muối sẽ ngậm nước, không khô, không thể thu hoạch. Muối phải làm trong ngày, không để qua đêm.
Vì thế, diêm dân luôn phải đi từ sáng sớm và trở về khi tối trời. Một năm diêm dân chỉ làm muối 6 tháng đầu năm.
Cái nóng mùa hè miền Trung chẳng bao giờ dễ chịu với bất cứ ai. Nhưng với người dân làm muối trong kỳ chính vụ, họ lại cầu mong một tháng có thật nhiều ngày nắng thật to. Hiện, người làm muối đa số là người già, phụ nữ. Thanh niên trai tráng đã chẳng ai ở lại quê làm cái nghề "cha truyền còn nối" với thu nhập quá thấp này.
Ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát có gần 600 hộ làm muối. Nghề muối rất cơ cực, để đưa ruộng muối vào sản xuất, diêm dân phải có bước chuẩn bị hết sức công phu với những việc cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, nện chắc nền ruộng. Một vụ muối người dân phải mất 1 - 2 tháng để chuẩn bị.
Khoảng thời gian từ 15-17h, khi nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết, lúc này, người dân thu hoạch muối. Trên cánh đồng muối hơi nóng bốc lên mặn chát, diêm dân phải dầm mình cả ngày dưới nền nhiệt cao, gương mặt ai cũng nám sạm, khắc khổ. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của diêm dân lại rất bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và giá cả thị trường. Biết bao phen họ lao đao vì “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa".
Theo nhiều diêm dân, để sản xuất muối trắng, người dân phải đầu tư khoảng 55- 60 triệu đồng/1.000 m2 để lót bạt, chưa kể chi phí xăng dầu bơm nước mặn vào ruộng muối, thuê mướn công nhân làm bờ bao, san bằng mặt ruộng.
Nhưng một thực tế là, với phương thức sản xuất theo truyền thống, hạt muối làm ra chất lượng kém, lẫn tạp chất nhiều, nên giá thành thấp, khó tiêu thụ. Với giá muối như hiện nay, muối trắng bán cho thương lái chỉ còn 900 – 1.100 đồng/kg tương đương với 50.000 – 60.000 đồng/ 1 bao 52 kg; muối đen (muối tạp) là 400 - 500 đồng/kg, thì hầu hết người làm muối đều lỗ nặng.
Theo bà Hồ Thị Phong (72 tuổi) diêm dân tại thôn Đức Phố, xã Cát Minh chia sẻ, bà đã có hơn 40 năm gắn bó trên cánh đồng muối này mà không thể bỏ được, mặc dù nghề muối mặn nhưng lại đắng chát.
“Hai đời làm muối rồi. Vui buồn đều là hạt muối mà ra. Cách đây chục năm, làm muối dù không giàu lên nhưng cũng ổn định cuộc sống, trung bình mỗi ngày cũng được 120.000 đồng. Nhưng vài năm trở lại đây thu nhập không đủ sống. Thế mà yêu nghề làm muối rồi, bỏ không được.”, bà Hồ Thị Phong buồn tủi.
Nghề làm muối xuất hiện tại xã Cát Minh có từ khi nào, cũng không ai nhớ. Mọi người chỉ biết đã từ rất lâu rồi. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn chỉ quanh năm sống dựa vào thời tiết với vỏn vẹn bốn chữ "nắng làm, mát nghỉ", quanh năm vất vả không quản nặng nhọc, cốt chỉ để cái nghề truyền thống không bị mai một trong khi giá muối mỗi mùa như một canh bạc.
Ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh thông tin, để tháo gỡ sự khó khăn trong nghề muối của người dân, UBND xã đang tích cực vận động các doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất các loại muối đặc sản bán ra thị trường trên địa bàn xã, huyện, tỉnh tạo điều kiện để thu mua, ổn định kinh tế cho người dân.
Bao đời nay, muối Cát Minh được đánh giá là loại muối ngon nhất, nhiều khoáng chất nhất trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chính vì thế, chúng tôi tích cực phối hợp với bà con tìm kiếm đầu ra cho muối Cát Minh. Đồng thời cũng là một cách giữ cho nghề muối truyền thống tại đây không bị mai một.
Văn Minh