Thu ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa ước đạt trên 41.920 tỷ đồng, vượt 18,6% dự toán; nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, kinh doanh nói riêng được tập trung tháo gỡ, tạo động lực cho sự phát triển...
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá toàn diện, tiếp tục là nền tảng vững chắc của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định đời sống Nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vượt 33,3% kế hoạch.
Sản xuất công nghiệp tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thanh Hóa vẫn tăng trưởng; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 4,87%. Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng được tăng cường; là tỉnh thứ 4 trong cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Để đạt được kết quả này là do nguyên nhân quan trọng từ việc triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, Thanh Hóa có 6 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó có 4 chỉ tiêu liên quan đến GRDP gồm tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thanh Hóa tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh.
Tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư.
Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ thu ngân sách 35.567 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.070 tỷ, thu hoạt động xuất nhập khẩu 13.550 tỷ. Theo đánh giá chung, chỉ tiêu này so với số thực hiện năm 2023 không cao, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động phức tạp và những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, thì để đạt được mục tiêu trên là không dễ dàng.
Hoài Thanh