Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội

Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP.Hà Nội, tính đến hết năm 2019, toàn thành phố có 330 máy cấy (trong đó 280 máy cấy lúa 4 hàng, 36 máy cấy lúa 6 hàng và 14 máy cấy lúa 8 hàng); diện tích lúa được cấy bằng máy đạt trên 5.000ha, chiếm 2,7%.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học, máy móc hiện đại

Mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy là rất cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy phát triển rất chậm. Qua thực tiễn cho thấy, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là nguyên nhân chính, ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất mạ khay, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động. Từ năm 2014 - 2019, Trung tâm đã hỗ trợ 17 dây chuyền gieo mạ khay tự động, năng suất gieo trung bình của 1 dây chuyền đạt 500 - 600 khay/giờ, cấy đủ cho 2ha lúa, giúp giảm chi phí sản xuất từ 180.000 - 200.000đồng/ha so với gieo mạ khay theo phương pháp thủ công bằng giàn đẩy tay. Đến nay, toàn TP có khoảng 35 dây chuyền gieo mạ khay tự động và 114 giàn gieo đẩy tay đang hoạt động.

Áp dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất ngành nông nghiệp Hà Nội
Áp dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất ngành nông nghiệp Hà Nội

Cùng với hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. Năm 2019, hỗ trợ gieo 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400halúa/2 vụ, tại 4 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa và Đông Anh.

Vụ Mùa 2020, hỗ trợ 6 máy cấy lúa, 4 dây chuyền gieo mạ khay tự động và xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400 ha lúa tại 8 huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Đông Anh, Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên.

Theo đó, các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống (45 kg/ha), 50% giá thể gieo mạ (1.200 kg/ha) và 50% khay nhựa gieo mạ (270 khay/ha). Kết quả, lúa canh tác bằng mạ khay máy cấy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 - 62 tạ/ha. So với canh tác truyền thống, mô hình mạ khay máy cấy giúp giảm chi phí sản xuất từ gần 3,9 - 5,45 triệu đồng/ha.

Đáng chú ý, thông qua hỗ trợ xây dựng các mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, mô hình sản xuất mạ khay đã giúp hình thành được 7 trung tâm sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn của Kubota Việt nam tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Ứng Hòa và Thanh Oai, với năng lực sản xuất 25.000 - 30.000 khay mạ/vụ/trung tâm, phục vụ cho việc mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy mang lại hiệu quả rõ rệt: Giảm chi phí sản xuất từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 10 - 15% so với cấy lúa truyền thống, giúp nông dân giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, thực tế, diện tích lúa cấy bằng máy trên toàn TP còn rất khiêm tốn, chỉ hơn 2%.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, thời gian tới, TP cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội - Ảnh 1

Đối với các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được hiệu quả từ việc cơ giới hóa khâu gieo cấy, qua đó, nông dân tự tin hơn khi áp dụng phương pháp tiên tiến này.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sớm gỡ vướng để tạo đột phá

Hà Nội đang phát triển mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song do đặc thù điều kiện đất đai nên các mô hình vẫn ở quy mô nhỏ. Để khắc phục, ngoài cơ chế, chính sách, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với kỳ vọng tạo đột phá trong thời gian tới.

Nhà kính trồng dưa lưới của hộ gia đình anh Bùi Văn Chung ở thôn Bãi Hạ (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa) là một trong 4 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành đầu năm 2019. Với quy mô 6.200m2, mô hình này sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình từ ươm giống, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được quản lý, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, hệ thống nhà kính giúp ổn định nhiệt độ và ánh sáng, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển. “Mô hình đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu nếu mở rộng về quy mô và xây dựng được thương hiệu” - anh Bùi Văn Chung tự tin chia sẻ.

Hiện, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như của anh Bùi Văn Chung đang phát triển mạnh tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, trên địa bàn huyện đã có 27 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mức đầu tư từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/ha tùy lĩnh vực trồng trọt hay chăn nuôi... "Tuy mức đầu tư lớn, nhưng bù lại, chất lượng sản phẩm tốt, được người tiêu dùng đón nhận; các mô hình đều đem lại thu nhập khá cho người dân từ vài trăm triệu đồng/mô hình/năm trở lên, thậm chí có mô hình cho thu nhập lên đến vài tỷ đồng/ha/năm..." - ông Trần Công Thành chia sẻ. Tương tự, tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thạch Thất... số hộ dân trồng cây ăn quả, hoa cảnh, cây cảnh... ứng dụng công nghệ cao cũng có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Tính chung trên địa bàn thành phố hiện đã có 131 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư và lúng túng trong tập huấn, chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ, mô hình phù hợp... Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, so với các tỉnh, thành phố có nhiều năm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội có quy mô nhỏ hơn, phổ biến từ 0,5ha đến 2ha; rất ít mô hình có quy mô 5ha.

Nguyên nhân chính do đặc thù đất đai Thủ đô hạn chế; mặc dù công tác dồn điền đổi thửa của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả khả quan song để tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn (từ 10ha trở lên) vẫn hết sức khó khăn. Mặt khác, nếu thực hiện việc giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp làm dự án nông nghiệp công nghệ cao (như đã giao cho các dự án đô thị, giao thông, công nghiệp...) thì mức đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu đã lên tới hàng chục tỷ đồng/ha, chưa tính các đầu tư sản xuất khác... "Bởi vậy, tại Hà Nội, rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân... đủ tiềm lực tích tụ ruộng đất quy mô lớn cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao..." - ông Nguyễn Xuân Đại nói.

Tận dụng lợi thế, chọn mô hình phù hợp

Là địa phương xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: "Kinh nghiệm khắc phục vấn đề tích tụ ruộng đất là vận động nông dân hợp tác “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”; đồng thời, cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh. Mặt khác, việc chuyển giao khoa học công nghệ thực hiện thông qua các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật... để nông dân dễ tiếp cận, nhanh chóng nắm bắt quy trình sản xuất hiện đại".

Còn theo TS Nguyễn Thị Tân Lộc - Viện Nghiên cứu rau quả, trước hết nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, có như vậy mới biết liên kết phát triển được sản xuất lớn. Cùng với đó, người sản xuất còn phải hiểu thị trường, luôn biết thay đổi để thích ứng với thị trường. Đây không phải là việc một sớm một chiều mà đòi hỏi quá trình, với nhiều sự tác động.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Thủ đô, đặc biệt khi Hà Nội tận dụng lợi thế là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước. Song trước mắt, thành phố khuyến khích các địa phương đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao theo quy mô vừa nhằm phù hợp với nguồn lực và dễ nhân rộng... Sau đó, các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm, tìm cách thức xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở quy mô lớn hơn.

Thanh Duy