Nhiều điểm mới
Chưa đầy nửa tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12-4-2021 để triển khai thực hiện nghị định này. Đặc biệt, ngày 15-4-2021, UBND thành phố tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/ 2021/NĐ-CP tới cơ sở. Qua đó, đại diện Bộ Nội vụ đã giới thiệu những điểm mới trong quá trình thực hiện như: Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người; chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường; chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính...
Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ “giải phóng” các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô nói chung.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết: “Phường có số lượng hồ sơ chứng thực lớn (riêng trong năm 2020 có tới 10.881 hồ sơ chứng thực, hộ tịch) nên việc nghị định quy định, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính, sẽ giúp giảm tải được rất nhiều thời gian cho lãnh đạo phường và công dân cũng sẽ không mất nhiều thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, với quy định “biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người” và UBND quận được quyền quyết định giao cụ thể số lượng công chức làm việc tại UBND phường sẽ giúp các phường nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành”.
Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho rằng, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP đã giải quyết được mối quan hệ công tác với công an, ban chỉ huy quân sự phường khi đưa vào cơ cấu tổ chức của UBND phường có cả trưởng công an phường và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường. Đặc biệt, việc không tổ chức HĐND phường thể hiện sự tinh gọn bộ máy nhưng không vì thế mà giảm hiệu lực giám sát của nhân dân...
Bảo đảm sự ổn định, không xáo trộn
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn, đến thời điểm này, toàn bộ UBND các quận, thị xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 32/2021/NĐ-CP.
Bày tỏ quyết tâm góp phần triển khai thực hiện tốt việc thí điểm chính quyền đô thị, bà Hoàng Thu Lê, công chức UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Theo quy định, khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cán bộ, công chức sẽ có nhiều việc hơn, song chúng tôi xác định phải nâng cao trách nhiệm để tạo thuận tiện cho người dân khi giao dịch hành chính”.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết thêm, ngay sau hội nghị triển khai Nghị định số 32/2021/NĐ-CP (ngày 20-4), quận tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị đến 21 phường, giao nhiệm vụ cho Phòng Nội vụ quận chủ động đôn đốc 21 phường và các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Với quận Ba Đình, Bí thư Quận ủy Hoàng Minh Dũng Tiến chia sẻ: “Để triển khai hiệu quả Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo quận để có sự thống nhất chung trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, trước việc một số cán bộ, công chức tâm tư khi phải chuyển đổi, sắp xếp vị trí việc làm, quận sẽ tuyên truyền, quán triệt, thống nhất nhận thức để cùng thực hiện tốt, bảo đảm ổn định ở cơ sở”.
Cũng quan tâm đến những tâm tư liên quan đến việc chuyển đổi, sắp xếp cán bộ, công chức, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam kiến nghị thành phố Hà Nội làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, sớm có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương xem xét làm sao để giải quyết được các băn khoăn một cách thỏa đáng, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ làm việc ở phường yên tâm công tác trong quá trình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm sự ổn định, không xáo trộn…
Thông tin thêm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, cùng với Kế hoạch số 100/KH-UBND, UBND thành phố đã ban hành biểu kế hoạch chi tiết phân công nội dung công việc, trong đó nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và tiến độ hoàn thành. Do đó, các sở, ngành, UBND quận, thị xã cần bám sát và triển khai thận trọng, bài bản, góp phần thực hiện hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Hiền Thu
Theo Hànộimới