Theo báo cáo của Momentum Works và qlub, người tiêu dùng Đông Nam Á chi khoảng 3,66 tỷ USD mỗi năm cho trà sữa trân châu. Trong đó, Indonesia là quốc gia dẫn đầu về quy mô thị trường với doanh thu hàng năm lên tới 1,6 tỷ USD, chiếm 43% tổng doanh thu toàn khu vực.
Thái Lan xếp thứ 2 với doanh thu 749 triệu USD, sở hữu hơn 31.000 cửa hàng và kênh bán lẻ trà sữa. Đáng chú ý, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu ước tính 362 triệu USD, tương đương 8.470 tỷ đồng.
Dù dân số bằng 6% Việt Nam, doanh thu trà sữa tại Singapore chỉ kém 20 triệu USD và xếp ở vị trí thứ 4. Người tiêu dùng Singapore hiện có sức mua mạnh nhất do giá trà sữa trung bình cao gấp gần 2 lần quốc gia khác trong khu vực.
Tại Trung Quốc, thị trường trà sữa có doanh thu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2021. Nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng như Nayuki, HEYTEA, Mixue được định giá hàng tỷ USD.
Thị trường F&B tại Việt Nam tương đối đa dạng với sự có mặt của nhiều thương hiệu đồ uống khác nhau. Dẫu vậy, trà sữa vẫn có chỗ đứng vững vàng nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn.
Không tính các cửa hàng nhỏ lẻ, thị trường Hà Nội và TP.HCM có đến hàng chục thương hiệu trà sữa nội lẫn ngoại đình đám như KOI Thé, The Alley, Gong Cha, Phúc Long, Heekca, ToCoToCo… Cuộc đua kinh doanh trà sữa không chỉ dừng lại ở số lượng cửa hàng mà còn cả về quy mô cửa hàng, công thức chế biến món khoái khẩu này.
Thực tế cho thấy riêng ở phân khúc chuỗi trà sữa chuyên nghiệp, hàng loạt ông lớn đã nhảy vào đầu tư khủng để tìm chỗ đứng. Đơn cử hồi giữa năm ngoái, Tập đoàn Masan chi 15 triệu USD để nắm 20% cổ phần của thương hiệu Phúc Long. Đến tháng 2/2022, tập đoàn này tiếp tục chi thêm 110 triệu USD để trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long, từ đó nắm quyền chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh của thương hiệu này.
Với sự tiếp sức từ đại gia Masan, Phúc Long nhanh chóng mở rộng hình thức kinh doanh theo mô hình kiốt và mở rộng thị trường ở miền Bắc. Kết quả là chỉ trong hai tháng cuối quý I/2022, với biên lãi gộp đạt 68,6% chuỗi trà sữa, cà phê Phúc Long đã thu về khoản lợi nhuận gộp hơn 176 tỉ đồng.
Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Pizza Home và Bếp trên mây Cloud Cook, nhìn nhận hiện thị trường đang dần ổn định trở lại sau thời gian bùng nổ mạnh. Đây cũng là lúc thị trường thanh lọc các thương hiệu yếu và chất lượng kém. Với các đơn vị có tiềm lực, đủ sức bền thì nhanh chóng mở rộng cả kênh bán lẻ, thậm chí lên các kênh FoodApps và trở nên ổn định hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Tùng, trà sữa vốn là món đồ uống từ sản phẩm theo trend (xu hướng) nhưng giờ đây đang trở thành thức uống phổ biến. “Tại VN, với tính chất bình dân, dễ uống, lại kết hợp được với nhiều mô hình ẩm thực khác, món ăn khác đã giúp trà sữa trở thành một phần ẩm thực chứ không phải là một hiện tượng nhất thời như trà chanh, mì cay hay xoài lắc. Theo tôi, trà sữa sẽ vẫn còn nhiều tương lai phát triển dài” - ông Tùng nhận xét.
Hoài Anh