Trái phiếu lãi cao – cục nam châm hút nhà đầu tư
Thực tế trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây vẫn đang phát triển khá “nóng”. Đặc biệt là với những loại trái phiếu có mức lãi gấp đôi tiết kiệm tiền lên 11 - 12%/năm khiến nhiều nhà đầu tư tham gia bất chấp rủi ro và nhận lại những hậu quả khôn lường.
Theo Hiệp hội Trái phiếu VN (VBMA), tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng 42% so với năm trước đó, đạt 658.000 tỉ đồng, đặc biệt là sự xuất hiện của 243 doanh nghiệp phát hành lần đầu với khối lượng phát hành chiếm 40%. Trên 60% trong số đó là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so với năm 2020.
Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro khá lớn ở nhóm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là có đến 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu - tỷ lệ này đã tăng khoảng 4 - 5% trong nửa cuối năm 2021 khi diễn biến giá cổ phiếu bất động sản tương đối thuận lợi cho việc thế chấp.
Ngoài ra, có 3/4 trái phiếu lưu hành trên thị trường là của doanh nghiệp không niêm yết, với chỉ số tài chính không được công bố rộng rãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, khi tỷ lệ đòn bẩy của toàn ngành bất động sản có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2021.
Thống kê từ SSI Research cũng cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản huy động tổng cộng 318.200 tỉ đồng trong năm 2021, tăng 66,3% so với năm 2020. Đặc biệt, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu 3 không (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) rất nhiều khiến nguy cơ rủi ro TPDN đang tăng lên. Trong đó, trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành.
Bên cạnh đó, SSI cũng lưu ý, kỳ hạn bình quân của trái phiếu bất động sản trong 2 năm gần đây là khoảng 3,5 - 4 năm, do vậy áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 – 2025…
Nhiều chuyên gia nhận định thị trường TPDN gần đây có dấu hiệu tăng trưởng rất nóng, xuất hiện tình trạng huy động vốn thông qua trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới về phát hành trái phiếu là cần thiết để thị trường này tiếp tục phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường FiinGroup chia sẻ với Báo giới, dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính đưa ra yêu cầu DN phát hành riêng lẻ chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân cũng phải xếp hạng tín nhiệm. Điều này là cần thiết bởi dựa vào xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư cá nhân sẽ biết được trái phiếu phát hành nằm ở mức tốt hay xấu. Từ đó nhà đầu tư có thể xác định lãi suất DN áp dụng có phù hợp hay không và quyết định nên mua trái phiếu của công ty nào, mua nhiều hay ít, phân bổ tài sản ra sao cho phù hợp...
Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”. Nói cách khác, để thị trường này phát triển lành mạnh thì cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ như chuẩn hóa điều kiện phát hành; thiết lập thị trường giao dịch thứ cấp chuyên biệt; công bố minh bạch thông tin DN; xếp hạng tín nhiệm DN phát hành...
Đối với những vấn đề liên quan đến trái phiếu lãi suất cao trên thị trường hiện này, Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, bởi lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.
“Đối với nhà đầu tư mua trái phiếu, cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Cụ thể, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: thứ nhất, trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành. Thứ hai, có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo.
Thứ ba, cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu. Thứ tư, kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi. Thứ năm, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Thứ sáu, quy trình, hồ sơ về xác định nhà đâu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Nghị định số 155.
Nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng lưu ý các nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu lãi cao, không có tài sản đảm bảo?
Trên thị trường hiện nay, nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản được tung ra thị trường với mức lãi cực hấp dẫn. Đáng chú ý, có những đơn vị phát hành trái phiếu riêng lẻ theo tính chất quảng cáo, mời chào…
Trong khi đó, tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018, Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đều yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào.
Một số đơn vị đơn cử như Tập đoàn APEC, trên trang web traiphieu.abond.com.vn và nhiều trang mạng xã hội vẫn đang quảng cáo loại trái phiếu Abond, gồm 2 loại là Abond 01 và Abond 02. Để thu hút nhà đầu tư, APEC Group đưa ra mức lãi suất lên đến 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM.
Đối với trái phiếu Abond 01, lãi suất cố định là 13%/năm, kỳ hạn 3 năm, không bán lại trước kỳ hạn. Trái phiếu Abond 02 có lãi suất cố định 12,5%/năm, đặc biệt, trái chủ có thể bán lại trái phiếu trước kỳ hạn với mỗi mức lãi suất khác nhau được tính theo 3 tháng/kỳ. Cả 2 loại trái phiếu này đều trả lãi suất định kỳ 3 tháng/lần.
Lô trái phiếu phát hành lần này tiếp tục được quảng cáo là rủi ro thấp (Bảo lãnh thanh toán gốc & lãi bởi CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam), có tính thanh khoản cao (Trả lãi 3 tháng/lần và rút gốc sau 12 tháng nắm giữ), thủ tục nhanh gọn. Đáng chú ý, nhiều website, trang thông tin về tài chính cũng hiển thị banner quảng bá cho đợt phát hành trái phiếu này. Các quảng cáo này cũng nhấn mạnh chỉ cần mua trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng là đã có thể phát sinh giao dịch.
Được biết, ngày 29/12/2021, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn APEC Group đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/AG/NQ-HĐQT quyết định việc thông qua phát hành các mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 riêng lẻ thành nhiều đợt, không chuyển đổi và không tài sản đảm bảo.
Trong một diễn biến khác, APEC Group từng gây xôn xao trên thị trường tài chính, khi bị phạt nặng vì vi phạm các quy định trong việc chào bán hay giao dịch trái phiếu.
Ngày 5/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) từng xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group) với số tiền 90 triệu đồng.
Doanh nghiệp này đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty cổ phần Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch).
Vào ngày 6/12/2021, UBCKNN đã xử phạt đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán về hành vi chào bán trái phiếu qua phương tiện thông tin đại chúng, không đăng ký.
Theo đó, APEC Group bị phạt 600 triệu đồng do có hành vi: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.