Về tham dự có Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Thiếu tướng Lê Hồng Nhân - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4; cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh dự lễ.
Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng, thuộc phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh là nơi thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Hàng năm, cứ đến dịp mồng 10/3 âm lịch, Nhân dân Hà Tĩnh cùng các tăng ni, phật tử, Nhân dân tỉnh bạn đến dâng nén tâm hương, hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đất tổ với tất cả tấm lòng tri ân, thành kính.
Trước đó, với các hoạt động thời gian từ ngày 8/3 - 10/3 (âm lịch): lễ tế dân gian do Hội Người cao tuổi phường Đậu Liêu thực hiện; lễ dâng cúng các vật phẩm do Nhân dân và cán bộ các phường, xã thuộc TX Hồng Lĩnh cung tiến; lễ rước linh vị Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng; hội thi gói bánh chưng do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã tổ chức; giải Bóng đá tranh cup Hùng Vương lần thứ II.
Đây là lễ hội đặc sắc nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống; tăng cường quảng bá hình ảnh về chùa Đại Hùng, đền thờ Kinh Dương Vương, các Vua Hùng và lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương ở Hà Tĩnh với các tỉnh bạn và du khách gần xa.
Theo nhiều tư liệu lịch sử, năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ - nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Trên đường tìm đất định đô, Kinh Dương Vương đã hướng vào danh thắng núi Hồng và cho xây dựng hoàng thành tại đây. Hoàng thành xây xong, Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Sau đó, dời kinh ra Phú Thọ. Tại đây, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng. Để định chính đô, giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh (Phong Châu - Phú Thọ) và cử Lạc Long Quân ra trấn giữ kinh thành. Từ đó, Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh đô Ngàn Hống với thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn sống mãi trong tâm trí dân gian.
Hồng Lĩnh - vùng đất được xem là địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình và thấm đẫm nhiều vỉa tầng văn hóa. Nơi đây không chỉ là quê hương của Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, của song trạng nguyên: Sử Huy Nhan và Sử Đức Huy mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của các bậc tu hành. Minh chứng cụ thể nhất đó là nhiều ngôi chùa cổ như chùa Đại Hùng thuộc khu di tích văn hóa Đại Hùng, thuộc địa bàn phường Đậu Liêu có niên đại khoảng trên 700 năm. Cứ hàng năm đến ngày 10/3 (âm lịch) hàng nghìn du khách thập phương đã về Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh để thành kính dâng nén hương thơm tưởng niệm các Vua Hùng.
Nhật Hào