Thiếu lao động do Covid, doanh nghiệp chè chủ động cơ giới hóa trong chế biến

Khi dịch Covid-19 bùng phát, sử dụng lao động trong ngành chè đang gặp những khó khăn nhất định khi phái áp dụng biện pháp phòng dịch 5K. Để dễ dàng hội nhập cũng như nâng cao giá trị sản xuất, các doanh nghiệp chè cần kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cơ khí để nghiên cứu cải tiến các dây chuyền nhằm tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa

Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cơ giới hóa sản xuất chè tại Việt Nam
Cơ giới hóa sản xuất chè tại Việt Nam

Dịch bệnh Covid -19 vừa qua đã không ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu dùng chè của các tầng lớp dân cư trong nước và trên thế giới bởi những công dụng của chè có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là tác dụng tăng sức đề kháng, khử khuẩn của chè khi uống nóng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế, nhiều cửa hàng dịch vụ bán chè phải đóng cửa để cách ly xã hội.

Chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container. Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số thành phố bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội.

Mặc dù đầu năm 2021 do thay đổi thời tiết, mưa ẩm và sau đó lại nắng nóng kéo dài bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, một số vùng chè phía Bắc, sản lượng chè búp tươi giảm 10% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do việc đầu tư thâm canh khá tốt và có các giải pháp thích ứng trong việc phòng chống dịch bệnh Covid -19 tại các địa phương nên năng suất, chất lượng và sản lượng chè nước ta vẫn giữ được ổn định, mức tăng trưởng đạt khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm trước, tức là đã giảm khoảng 2-3% so với dự kiến nếu không có dịch bệnh.

Đối với diễn biến phức tạp từ dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp, theo TS.Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện nay có những vùng chè tập trung chuyên canh lớn đòi hỏi nhiều lao động trong khâu thu hái phải huy động lao động từ các địa phương khác đến trong vụ thu hoạch, nhưng phải thực hiện việc cách ly nên không thể triển khai được, phải tổ chức sản xuất cơ bản tại nội bộ địa phương.

Trong vấn đề sản xuất, Hiệp hội khuyến cáo nên điều tiết về vấn đề người lao động khi thực hiện quá trình thu hoạch, cần đảm bảo được sự giãn cách giữa người lao động với nhau để đảm bảo được các biện pháp phòng chống. Trong chế biến cũng vậy, nên dàn trải nhiều ca làm việc và các ca sản xuất cần ít người hơn để đảm bảo biện pháp phòng dịch 5K. Cùng với đó cần kiểm soát người lao động khi vào các nhà máy chế biến chè và đặc biệt là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa cho cả khâu sản xuất nông nghiệp và khâu chế biến.

“Các doanh nghiệp chè cần kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cơ khí để nghiên cứu cải tiến các dây chuyền nhằm tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa. Xu hướng đào tạo công nhân tay nghề cao hơn, giảm thiểu lao động thủ công, nâng cao tay nghề cho người lao động có cơ hội tăng tiền lương, tiền công cho người lao động sẽ giữ chân được họ trong xu hướng lao động trong ngành chè đang bị các ngành công nghiệp như may mặc, điện tử và dịch vụ thu hút” Ông Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để nhanh chóng tăng sản lượng chè có giá trị gia tăng cao, từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào các hãng vận tải bởi xuất khẩu quá lớn chè dạng thô có chất lượng và mức giá thấp.

Tại Hợp tác xã chè Sử Anh, thực hiện mô hình liên kết sản xuất với bà con nông dân hiện nay vào khoảng 60ha, tập trung chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội tiêu trong nước. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh chia sẻ, mặc dù năm nay dịch covid-19 tiếp tục bùng phát, nhưng với kế hoạch chuẩn bị nên đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng không làm ồ ạt như mọi năm.

“Sau khi dịch covid-19 đi qua, nhằm định hướng nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cây chè, HTX dự kiến sẽ chủ động nâng cao sản xuất chế biến, thay đổi công nghệ bằng các thiết bị hiện đại, đa dạng mẫu mã hàng hóa sản phẩm để hướng tới điều kiện và cơ hội xuất khẩu tốt hơn” Anh Sử cho biết.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Huy Đức